Hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ:

Cần những việc làm thiết thực

ANTĐ - 140 suất quà trị giá 100 triệu đồng cùng 2 ngày tổ chức khám chữa bệnh miễn phí do Công ty TNHH Dược phẩm Tâm Bình phối hợp với Báo An ninh Thủ đô là hành động thiết thực để hưởng ứng lời kêu gọi trong tháng đền ơn đáp nghĩa. Với hơn 1.000 gia đình chính sách của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), hai ngày đó quả thực là hai ngày hội.

Các bác sỹ của lực lượng công an khám bệnh miễn phí cho người dân

Nghe tin có đoàn công tác của Báo An ninh Thủ đô và Công ty TNHH Dược phẩm Tâm Bình tổ chức một đoàn y tế lưu động từ Hà Nội về khám chữa bệnh miễn phí và tặng quà cho các đối tượng chính sách của huyện, ông Lê Hồng Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng rất phấn khởi khi nghe cuộc điện thoại của chúng tôi, ông Thanh đề nghị: “Đúng hẹn đấy nhé, người dân chúng tôi ở đây còn vất vả lắm, các anh chị về tận nơi giúp đỡ như thế thì dù chỉ một chút cũng là đáng quý”. 

7h sáng, nắng như hắt lửa mà khoảnh sân trước cổng trường trung học huyện đã chật kín người. Nhìn những nét mặt khắc khổ, lam lũ của người dân nơi đây mới thấy, nỗi vất vả mà đoàn công tác chúng tôi chuẩn bị chưa thấm vào đâu. Cụ Đinh Văn Dĩnh, trú tại xóm Tân Thành, thị trấn Liễu Đề năm nay đã 90 tuổi, nghe nói sẽ được các bác sỹ Hà Nội mang máy móc hiện đại về khám bệnh đã vội ngồi xe lăn tự tới nơi tập trung mà không cần đợi con cháu chở đi. Cụ bảo, chân cụ đau lắm, cộng với tuổi già nên bây giờ nó không tuân theo sự chỉ đạo của cụ nữa. Trước thì cụ còn chống gậy tập tễnh cà nhắc loanh quanh trong xóm, nhưng đến giờ thì có muốn cũng chịu, cụ đành gắn mình với cái xe lăn. Cả đêm qua, chân nhức buốt không ngủ được, cụ Dĩnh chỉ mong trời mau sáng để ra ủy ban nhờ các bác sỹ khám và cho thuốc. Có thế cụ mới yên tâm chứ dăm nắm thuốc lá ở nhà cụ uống mãi mà chẳng ăn thua. 

Ngồi đợi tới lượt khám bệnh cùng cụ Dĩnh là cụ Phạm Văn Kích, trú tại xóm 7, xã Nghĩa Sơn. Cụ Kích vốn là cựu chiến binh. Sau mùa hè đỏ lửa năm 1972 cụ được chuyển ra hậu tuyến với 1 cánh tay bị cắt tới tận khuỷu, tai bị điếc và một chân cà nhắc vì vỡ xương chậu bởi pháo địch. Cụ Kích bảo: “Cả nhà tôi giờ chỉ biết trông vào khoản trợ cấp thương binh bậc 2/4 hàng tháng. Cuộc sống cũng hết sức khó khăn. Mình ốm đấy, nhưng chẳng mấy khi dám đi bệnh viện và mua thuốc bởi tốn kém quá. Thế nên nghe tin Công ty Dược phẩm Tâm Bình về thăm khám, phát thuốc miễn phí thế này là mừng lắm. Có ở cái tuổi này mới biết sức khỏe nó quý thế nào. Dân xã tôi, lắm người nghèo, ốm đau còn không dám đi viện vì không có tiền. Thế nên được các bác sỹ về tận nơi chăm sóc ai cũng mừng”.

Cán bộ của Công ty Dược phẩm Tâm Bình giúp đỡ bệnh nhân nặng tới khám bệnh

Hỗ trợ đưa cụ Kích đi khám là bà Đỗ Thị Lụa. Lúc bà ra lĩnh thuốc cho chồng, thấy bác sỹ cứ dặn đi dặn lại cách dùng và hướng dẫn chăm sóc, bà Lụa phân trần: “Nhà neo người quá, tôi suốt ngày luẩn quẩn với mấy sào ruộng nên cũng chẳng có thời gian xem ông ấy thuốc thang thế nào. May có các bác sỹ khám tôi mới biết nguồn cơn căn bệnh của ông lão là chèn ép tủy sống. Bao nhiêu năm khốn khổ nằm nhà rên rỉ vì đau, bây giờ mới được quan tâm đặc biệt thế này”. 

Khỏi phải nói cũng biết, không chỉ người dân mà ngay cả đội ngũ cán bộ của huyện Nghĩa Hưng vui thế nào cho dù bản thân họ đã mệt nhoài suốt 2 ngày hỗ trợ cùng các bác sỹ khám cho hơn 1.000 người. Nhìn cảnh ông Phó Chủ tịch huyện Lê Hồng Thanh chạy tới chạy lui đốc thúc đội thanh niên tình nguyện, sắp xếp phân loại bệnh nhân, hướng dẫn tới các phòng khám chuyên khoa hay lĩnh thuốc chợt thấy bùi ngùi. Hóa ra, ở những nơi nghèo, cán bộ nhiều khi cũng muốn “ba cùng” với người dân đấy, nhưng lắm khi lực bất tòng tâm. Riêng ông Thanh thì hể hả: “Này, danh sách là 1.000 đối tượng chính sách. Nhưng nhiều gia đình không thuộc diện mà hoàn cảnh quá khó khăn ta vẫn cứ châm chước giải quyết cho họ”.

Nghe câu đề xuất của ông Phó Chủ tịch đang nhễ nhại mồ hôi, chúng tôi chợt nhận ra, đền ơn đáp nghĩa không cứ chỉ đợi đến dịp. Với những cảnh ngộ nghèo khó, cơ hàn, một chút quan tâm, một chút sẻ chia với đồng bào lúc khó khăn nhiều khi còn quý hơn những khẩu hiệu sáo rỗng mà đôi khi người ta cứ hô lên rồi bỏ đó.