Cân nhắc kỹ việc bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung

ANTĐ - “Quyền im lặng” của bị can, bị cáo khi bị bắt giam, bắt giữ và quy định bắt buộc phải “ghi âm, ghi hình” trong quá trình hỏi cung bị can, bị cáo là 2  vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đồng tình việc cho phép người bị tạm giam, tạm giữ có quyền được im lặng để đảm bảo quyền của bị can, bị cáo, lợi ích hợp pháp của họ. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Đình Quyền lưu ý phải cân nhắc đến hiệu quả phòng chống tội phạm, nếu mở quá thì yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm khó có thể đạt được. 

Với quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình toàn bộ quá trình hỏi cung, ĐB Nguyễn Đình Quyền cho rằng, chỉ nên bắt buộc đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt chung thân, tử hình. “Ghi âm chỉ nên áp dụng trong những trường hợp cần thiết, như thế sẽ phù hợp thực tiễn, nếu không có thể sau này đưa vào thực tế không thực hiện được” - ĐB Nguyễn Đình Quyền nói. Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, việc ghi âm, ghi hình đối với hoạt động hỏi cung bị cáo, bị can chỉ nên quy định với một số trường hợp bắt buộc để tránh bức cung, nhục hình, bảo vệ điều tra viên, tránh bị đổ oan tội ép cung, mớm cung, nhục hình.

Cũng về vấn đề này, tại tổ TP.HCM, ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, quy định như dự thảo sẽ gây tốn kém ngân sách Nhà nước, tạo thủ tục rườm rà không cần thiết.  Một số đại biểu khác đề nghị, phải cân nhắc và quy định chặt chẽ vấn đề này trong luật chứ không thể quy định một cách chung chung, nếu không sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện luật sau này.