Cần nghiêm trị đối tượng giả mạo website, fanpage của cơ quan tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, mới đây, Bộ GD-ĐT đã chính thức cảnh báo trên mạng xã hội đang tồn tại nhiều trang thông tin mạo danh Bộ GD-ĐT và Bộ trưởng bộ này với mục đích mua bán bằng giả.

Liên tiếp xuất hiện các trang giả mạo các bộ, ngành

Trong số hơn 10 trang thông tin giả mạo fanpage của Bộ này có những trang đang có hàng trăm lượt người theo dõi với nội dung buôn bán bằng giả. Các trang này thường xuyên đưa các bài viết về "Dịch vụ làm bằng cấp, chứng chỉ chuyên nghiệp, uy tín, chất lượng"; "Nhận làm tất cả các loại bằng: đại học, cao đẳng, trung cấp, bằng cấp 3, chứng chỉ…”

Cũng theo Bộ GD-ĐT, hiện Bộ này chỉ có một trang Fanpage chính thức duy nhất có tích xanh tại địa chỉ https://www.facebook.com/thongtinbogiaoducvadaotao và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có một trang thông tin cá nhân chính thức tại địa chỉ https://www.facebook.com/tsnguyenkimson.

Bộ GD-ĐT cảnh báo các fanpage giả mạo nhằm mua bán bằng giả

Bộ GD-ĐT cảnh báo các fanpage giả mạo nhằm mua bán bằng giả

Có thể nói, tình trạng giả mạo website, fanpage của một số ngành, cơ quan chính quyền không phải là chuyện hiếm gặp. Cách đây không lâu, trên mạng cũng xuất hiện website “Cổng thông tin điện tử Bộ Công an” tại tên miền: “https://11384vn.com” sử dụng hình ảnh giao diện, chia sẻ thông tin giống hệt với Cổng Thông tin điện tử chính thức của Bộ Công an, dễ gây nhầm lẫn với người dùng.

Có trường hợp còn lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân giả mạo trang TTĐT của Bộ Y tế để lừa đảo xin trợ cấp tiêm chủng vaccine COVID-19 và lừa tiền cứu trợ thông qua 2 tên miền là “honapply.vn” và “miniboon.vn.”

Các đối tượng đã yêu cầu người dùng đăng ký thông tin cá nhân cùng tên đăng nhập và mật khẩu Internet banking để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Về hành vi giả mạo website của chính quyền, cơ quan, tổ chức, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Khoản 1, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nghiêm cấm hành vi giả mạo tổ chức; cá nhân và phát tán thông tin giả mạo; thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức và 5-10 triệu đồng với cá nhân (theo Điểm e, Khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP).

Trường hợp giả mạo website nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mua bán, sử dụng bằng giả có thể bị phạt tù tới 7 năm

Còn với hành vi sản xuất, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả, Luật sư Hồng Vân cho rằng, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người thực hiện có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về phạt hành chính, Điều 16 Nghị định 138 quy định, phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ. Người có hành vi mua bán văn bằng, chứng chỉ giả có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS 2015 với mức phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.

Đặc biệt, người sử dụng bằng, chứng chỉ giả cũng có thể bị xử lý hành chính, kỷ luật hoặc hình sự. Theo Nghị định 34/2011 và Nghị định 27/2012, cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả có thể bị thôi việc, nếu sử dụng bằng giả để học ở bậc học cao hơn thì bị bị đuổi học hoặc hủy bỏ kết quả học tập, bằng cấp (nếu đã học xong).

Ngoài ra, những cá nhân có hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị phạt tiền), đồng thời bị tịch thu bằng giả đã sử dụng. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân này có thể bị khởi tố về hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.