Thực tế đã chứng minh hầu hết các gia đình liệt sỹ, các đồng chí thương binh, bệnh binh là những gia đình, những công dân mẫu mực, vươn lên khắc phục khó khăn để lao động sản xuất, học tập, góp phần phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”. Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể ở nhiều nơi đã quan tâm, động viên, tạo điều kiện và khuyến khích các gia đình liệt sỹ chăm sóc đến đời sống vật chất, tinh thần đối với các đồng chí thương, bệnh binh. Tuy nhiên, còn có cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức đến người có công, nhiều thân nhân liệt sỹ sống nghèo khổ, trợ cấp đối với thương bệnh binh và gia đình liệt sỹ chưa đảm bảo. Đời sống vật chất và tinh thần của gia đình các đồng chí thương binh, liệt sỹ cần được bảo đảm bằng quy định của pháp luật.
Mặt khác, vẫn còn một số thương binh có tư tưởng “công thần”, dùng danh nghĩa thương binh làm ăn phi pháp hoặc tập trung đông người gây áp lực với các cơ quan công quyền. Một số kẻ xấu giả danh thương binh vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến thanh danh “thương binh” cần phải xử lý bằng pháp luật.
Trải qua các cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chúng ta đã ghi nhận công ơn đối với hàng vạn liệt sỹ, thương binh. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ gìn an ninh trật tự, máu của các cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân sẽ còn đổ xuống để đất nước được bình yên. Do đó, việc “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” đối với những người có công như các liệt sỹ, thương binh không chỉ là chính sách xã hội hoặc chỉ ở Pháp lệnh về Người có công mà cần được luật hóa trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Do vậy, đề nghị Quốc hội và Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TB&XH sớm dự thảo và đưa ra lấy ý kiến của nhân dân để trình Quốc hội phê chuẩn, ban hành luật về Thương binh, liệt sỹ.