Cần làm rõ một số băn khoăn về quyền tư pháp của Tòa án

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 9-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi.
ĐBQH Nguyễn Hải Trung góp ý tại phiên thảo luận tổ

ĐBQH Nguyễn Hải Trung góp ý tại phiên thảo luận tổ

Tham gia đóng góp ý kiến tại tổ ĐBQH đoàn Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung – Giám đốc CATP Hà Nội nêu quan điểm nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi luật này bởi sau 8 năm thi hành Luật TAND đã bộc lộ những tồn tại, vướng mắc.

Hơn nữa, cần thiết phải tổng kết, sửa đổi luật để giải quyết những vấn đề mới đặt ra trong bối cảnh, tình hình hiện nay cũng như thời gian tới.

Dù vậy, ĐBQH Nguyễn Hải Trung cho biết, ông còn băn khoăn về hai nội dung.

Đầu tiên, theo tờ trình về dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cũng như báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Tư pháp đều nhấn mạnh, việc xây dựng luật này phải phù hợp với thể chế của Việt Nam.

Cụ thể, Tờ trình dự thảo luật nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, thể chế hoá được các chủ trương, nghị quyết của Đảng; Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật…

“Thể chế của Việt Nam là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Quyền lực nhà nước là tập trung thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong Nghị quyết 49-NQ/TW đã nêu và khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 49 cũng đã bổ sung quan điểm phải có sự giám sát lẫn nhau giữa 3 quyền này” – Trung tướng Nguyễn Hải Trung nói.

Vì thế, ông đặt câu hỏi: “Các quy định mới đã phù hợp với thể chế hay chưa? Đây là vấn đề còn ý kiến băn khoăn nên chúng ta phải giải đáp cho thấu đáo”.

Vấn đề băn khoăn thứ hai được ĐBQH Nguyễn Hải Trung nêu ra, theo dự thảo Luật TAND (sửa đổi), hoạt động xét xử của Tòa án hoàn toàn là nhánh tư pháp.

Trong khi đó, theo Nghị quyết 49-NQ/TW và theo nhiều văn bản khác thì vấn đề tư pháp rất rộng. Tư pháp bao gồm cả hoạt động của cơ quan điều tra; bao gồm cả hoạt động hỗ trợ tư pháp của ngành Công an như bảo vệ, dẫn giải, áp giải ra phiên tòa; rồi cả vấn đề về bổ trợ tư pháp.

“Hoạt động xét xử của Tòa được gọi là tư pháp thì những cái khác được gọi là gì? Cần phải có giải thích cụ thể để tránh băn khoăn” – Giám đốc CATP Hà Nội nói.

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính – Chánh án TAND TP Hà Nội phát biểu thảo luận

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính – Chánh án TAND TP Hà Nội phát biểu thảo luận

Cũng tại tổ Hà Nội, phát biểu góp ý vào dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Hữu Chính – Chánh án TAND TP Hà Nội cho biết, dự thảo Luật TAND sửa đổi đã được chuẩn bị rất công phu, ban soạn thảo dự luật đã chuẩn bị hơn 2 năm nay, đã xin ý kiến tại tất cả 63 tỉnh/ thành phố trên cả nước và ý kiến của các bộ, ngành liên quan.

Về một số nội dung cụ thể, ông Nguyễn Hữu Chính cho biết, khoản 1 Điều 3 dự thảo luật quy định TAND thực hiện quyền tư pháp, bao gồm quyền xét xử, quyền quyết định các tranh chấp vi phạm pháp luật, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật…

Ông Chính nêu rõ, trong các Nghị quyết của Trung ương như Nghị quyết 27, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đều khẳng định Tòa án là trung tâm thực hiện quyền tư pháp.

Vậy quyền tư pháp này là gì, cần phải cụ thể hóa. Do vậy, Ban soạn thảo dự luật đã đưa ra một số quyền để triển khai cụ thể hóa các Nghị quyết nêu trên. Vấn đề là cần rà soát, bổ sung để phù hợp và đầy đủ hơn.

Về quy định thu thập chứng cứ, trước đây quy định nghĩa vụ thu thập chứng cứ thuộc về Tòa án, còn bây giờ theo dự thảo Luật sửa đổi thì nghĩa vụ thu thập chứng cứ thuộc về đương sự. Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh, trong các vụ án dân sự, quy định sửa đổi như dự thảo luật là rất khoa học và khách quan, đồng thời giảm được nhiều tiêu cực trong thực tế.

“Qua tham khảo kinh nghiệm nhiều nước, đa phần các nước quy định, việc thu thập chứng cứ thuộc về đương sự, còn Tòa án chỉ là nơi nhận chứng cứ đó. Nếu đủ chứng cứ rồi thì Tòa ra phán xét” – ông Chính thông tin thêm.