Căn cứ nào để đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra mức xét tuyển ngang với đại học Havard?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - ĐH Bách khoa Hà Nội vừa đưa ra mức điểm SAT xét tuyển tài năng cao ngang với các trường ĐH bậc nhất thế giới khiến nhiều người băn khoăn về căn cứ nào để xác định mức điểm này.

Chiều 10/6, trao đổi với phóng viên ANTĐ, PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trường này có căn cứ từ hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh năm nay để đưa ra mức ngưỡng điểm chứng chỉ quốc tế yêu cầu thí sinh cần đạt theo phương thức xét tuyển tài năng.

Mức điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng, bao gồm xét chứng chỉ quốc tế và xét theo hồ sơ năng lực kết hợp với phỏng vấn của ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay gây bão bình luận ngay khi vừa công bố bởi mức vượt trội so với các trường uy tín trong nước.

Với xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế, ngưỡng yêu cầu SAT thí sinh cần đạt được phải từ 1520 trở lên, đồng thời SAT Toán phải đạt 770/800 mới có thể trúng tuyển vào ngành Khoa học máy tính (IT1) và Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo chương trình tiên tiến (IT-E10).

Mức điểm này càng gây chú ý dư luận khi được đem ra so sánh ngang ngửa với mức xét tuyển vào các trường ĐH hàng đầu thế giới. Được biết, mức điểm SAT thí sinh cần đạt để trúng tuyển vào ĐH Harvard là 1460-1570, vào MIT khoảng 1510-1570, vào ĐH Yale từ 1460-1570, vào ĐH Princeton từ 1460-1570 hay vào ĐH Stanford là 1440-1570.

Lý giải về việc này, ông Trần Trung Kiên cho biết, mấy năm gần đây, các ngành như Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn luôn lấy điểm chuẩn ở mức cao nhất nhì trong các ngành tuyển sinh của trường.

Với chỉ tiêu chỉ chiếm khoảng 5% dành cho thí sinh đăng ký phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế nên số lượng trúng tuyển theo điểm SAT của hai ngành Khoa học máy tính và Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo chương trình tiên tiến chỉ khoảng từ 5 – 15 em.

Do những ngành này có tỉ lệ cạnh tranh cao, yêu cầu điểm SAT từ 1460 trở lên, nên chỉ những thí sinh đạt điểm số xuất sắc mới dám nộp hồ sơ vào. Căn cứ trên hồ sơ đăng ký xét tuyển, nhà trường xét điểm từ trên xuống dưới, nên điểm trúng tuyển vào những ngành này cao là xuất phát từ thực tế.

PGS.TS Trần Trung Kiên cho biết, năm nay, số thí sinh có mức điểm SAT cao tăng mạnh, trong đó, bao gồm có những thí sinh xác định đi du học nhưng vì tình hình dịch bệnh nên đã chuyển hướng đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH trong nước.

"Nếu nói tuyển sinh vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khó như các trường hàng đầu thế giới như ĐH Harvard thì không đúng vì hình thức tuyển sinh của các trường khác nhau. Các trường của Mỹ hầu hết chỉ tuyển sinh thông qua hồ sơ, trong khi ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh theo nhiều phương thức khác nhau, trong đó xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ" - ông Kiên phân tích.

Được biết, ĐH Bách khoa Hà Nội còn chờ vào số lượng thí sinh xác nhận nhập học từ nay đến 16/6.

"Vẫn có những thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhiều trường ĐH cùng lúc nên có thể trường vẫn phải điều chỉnh chỉ tiêu các phương thức xét tuyển, dành cơ hội cho những thí sinh có nguyện vọng nhập học vào trường" - PGS.TS Trần Trung Kiên cho biết.