Cần cơ chế kiểm soát đặc quyền, lợi ích nhóm khi xây dựng luật

ANTD.VN - Theo một số ĐBQH, khá nhiều luật được ban hành vừa qua thiếu tính ổn định, phải sửa liên tục, đặc biệt quy định trong một số luật còn mang tính khẩu hiệu dẫn đến tình trạng đặc lợi, đặc quyền, lợi ích nhóm…

Cần cơ chế kiểm soát đặc quyền, lợi ích nhóm khi xây dựng luật ảnh 1ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng)

Chiều nay, Quốc hội đã thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiếntại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019), trình Quốc hội thông qua 10 dự án luật; cho ý kiến 8 dự án luật; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 01 dự án pháp lệnh (tháng 12/2019).

Dự kiến Chương trình năm 2020 sẽ trình Quốc hội thông qua, cho ý kiến 17 dự án luật và 01 dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

Góp ý vào dự kiến chương trình này, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho biết, bà không tán thành với việc lùi thời gian trình một số dự án Luật có tính cấp bách, cụ thể như Luật Đất đai.

Theo ĐB Thúy, để phát triển kinh tế, ổn định xã hội, Quốc hội cần tập trung rà soát, sửa đổi ngay những vấn đề cấp bách, bức thiết qua giám sát tối cao của Quốc hội, ý kiến phản ánh của cử tri và nhiều ĐBQH.

Cũng theo ĐB Kim Thúy, bà thấy “lo” khi kỳ họp thứ 8 có tới 18 dự án luật thông qua và cho ý kiến. “Như vậy, liệu có quá tải và có đảm bảo chất lượng luật không? Lo lắng này là có cơ sở nếu nhớ rằng cả năm 2018 chỉ thông qua và cho ý kiến về 22 dự án luật” – ĐB Kim Thúy nói.

ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, thực tiễn xây dựng luật hiện nay có nhiều bất cập, mà bất cập nhất là trong khâu tiếp thu, chỉnh lý luật để trình Quốc hội thông qua.

ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang)

Theo ĐB Mai Bộ, có 4 lý do dẫn đến thực trạng này, trong đó chất lượng thẩm định một số dự án luật chưa tốt, nhất là thái độ tiếp thu của một số ban soạn thảo còn kém, còn vì lợi ích bộ, ngành… Do đó, để nâng cao chất lượng xây dựng luật, cần bố trí đủ thời gian để đại biểu nghiên cứu dự thảo luật, tranh luận đến cùng, và cần có cơ chế hữu hiệu để giám sát việc ban hành nghị định.

Trong khi đó, ĐB Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) phân tích ở góc độ tầm nhìn lập pháp khi các luật ban hành vừa qua thường thiếu tính ổn định, phải sửa liên tục. Theo ĐB này, quy định trong một số luật còn mang tính khẩu hiệu thay vì các quy phạm, quy tắc xử sự chuẩn mực trong thi hành, dẫn đến tình trạng đặc lợi, đặc quyền, lợi ích nhóm.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, có những dự án luật đã có chương trình cho ý kiến tại kỳ họp nhưng đến sát phiên thảo luận rồi mới gửi đến cho các ĐBQH nghiên cứu thì không thể góp ý được. Do đó đề nghị các cơ quan soạn thảo dự luật phải nghiêm túc, chấp hành đúng quy định về xây dựng luật, pháp lệnh, không để tiếp diễn tình trạng trên.