Cận cảnh chiếc ghế đá “khủng” nhất Hà Nội

(ANTĐ) - Chính xác ra có thể gọi nó là một cái bàn đá, song vì hàng chục năm nay người ta hay ngồi nên… vẫn là ghế đá.

Cận cảnh chiếc ghế đá “khủng” nhất Hà Nội

(ANTĐ) - Chính xác ra có thể gọi nó là một cái bàn đá, song vì hàng chục năm nay người ta hay ngồi nên… vẫn là ghế đá.

Chiếc ghế đá "khủng" đứng lặng lẽ hàng chục năm bên Hồ Gươm, phía sau là Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN
Chiếc ghế đá "khủng" đứng lặng lẽ hàng chục năm bên Hồ Gươm, phía sau là Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN

Vòng quanh Hồ Gươm có không biết bao nhiêu dấu ấn lịch sử và không gian văn hóa, không kể đến những Tháp Rùa, cụ Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút, tháp Hòa Phong… đã quá nổi tiếng thì còn đó là cây lộc vừng 9 gốc nằm đối diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội; cây đa 200 năm tuổi nằm trong khuôn viên Báo Nhân dân…

Tuy nhiên có một vật ít “nổi tiếng” hơn dù cũng đã tồn tại hàng chục năm, đó là chiếc ghế đá “khủng” nhất Hà Nội nằm ở vườn hoa trước cửa Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam (số 16 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm).

Ở đây cũng cần phải nói thêm một chút về ngôi nhà này để thấy thêm về vị trí đặc biệt mà chiếc ghế đá tồn tại: Ngôi nhà được xây từ những năm 1910 (nằm vuông góc với khách sạn Phú Gia xưa) vốn là trụ sở của Hội Khai Trí Tiến Đức những năm đầu thế kỷ trước, nơi các trí thức Hà Nội sinh hoạt tập thể, giao lưu, đàm luận, diễn thuyết. Đây cũng là trụ sở đầu tiên của Quốc Hội khóa 1 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau ngày tổng tuyển cử bầu Quốc Hội đầu tiên năm 1946. Sau 1954 tòa nhà được dành làm câu lạc bộ Thống Nhất - nơi sinh hoạt của các cán bộ miền Nam tập kết.

Chiều rộng của ghế là 80cm, chiều dài vào khoảng 1m8
Chiều rộng của ghế là 80cm, chiều dài vào khoảng 1m8
Độ dày của phiến đá xanh mặt ghế là 18 cm
Độ dày của phiến đá xanh mặt ghế là 18 cm
Chân ghế cũng là đá phiến, hình chữ H cách điệu, rất chắc chắn
Chân ghế cũng là đá phiến, hình chữ H cách điệu, rất chắc chắn

Sinh thời, cố nhà văn Băng Sơn - người chuyên viết về Hà Nội khẳng định rằng, chiếc ghế đá nằm ở vườn hoa trước cửa khách sạn Phú Gia nhìn thẳng ra Tháp Rùa chính là chiếc ghế đá lớn nhất của Thủ đô. Nhiều bậc lão niên còn nhớ, thời Pháp thuộc có khá nhiều ghế đá bày quanh Hồ Gươm và cả trong một số công viên như ở Bách thảo, vườn hoa Chí Linh… nhưng sau này đã thất lạc hết cả.

Giờ thì khách sạn Phú Gia không còn, ở đó đang là một bãi đất trống được quây lại bằng hàng rào tôn với những thiết bị xây dựng bên trong. Tuy nhiên chiếc ghế đá thì vẫn tồn tại ở chính vị trí mà nó được đặt thủa ban đầu: kẹt giữa hai gốc sấu cổ thụ số 72 và 74 ven đường Lê Thái Tổ.

Chiếc ghế không có vai tựa nên có thể ngồi được cả hai bên. Nếu ngồi xoay lưng vào nhau, thì đủ chỗ cho…10 người cùng một lúc. Chiều rộng chính xác của mặt ghế là 80cm, còn chiều dài vào khoảng 1m8. Phiến đá làm mặt ghế là đá xanh nguyên khối, dày chừng 18cm, trải qua quãng thời gian hàng chục năm với hàng triệu lượt người ngồi lên, đã lên nước bóng loáng. Chân ghế cũng là đá xanh nguyên khối, cao 60cm, khoét khuyết hai đầu, cực kỳ chắc chắn. Trọng lượng của cả chiếc ghế (dù chưa ai đem cân lên bao giờ) ước phải đến cả tấn.

Trải qua bao thăng trầm, dấu ấn thời gian đã in lên mặt ghế
Trải qua bao thăng trầm, dấu ấn thời gian đã in lên mặt ghế
Nhiều thế hệ người Hà Nội đã tới ngồi trên chiếc ghế đá "khủng" này
Nhiều thế hệ người Hà Nội đã tới ngồi trên chiếc ghế đá "khủng" này
Nằm cách bến xe buýt không xa, chiếc ghế đá trở thành nơi nghỉ chân của khách đợi xe
Nằm cách bến xe buýt không xa, chiếc ghế đá trở thành nơi nghỉ chân của khách đợi xe

Vì to lớn như thế nên chiếc ghế có thêm tác dụng phụ là làm… bàn bóng. Ông Đức Hùng - một người dân ở phố Hàng Bồ nhớ lại thời thơ ấu của mình: Những năm đầu thập kỷ 70, giặc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, tôi cùng đám trẻ cùng phố thường ra Hồ Gươm mò ốc, bắt cá. Lội dưới hồ chán thì leo lên bờ ra cái ghế đá này, căng lưới đánh bóng bàn.

Một tác dụng phụ khác của ghế là làm… giường, ông Hùng kể tiếp: Chơi chán, chúng tôi lại trèo cây hái sấu. Kệ cho đám bạn leo rào rào phía trên, tôi cứ nằm luôn lên ghế đánh một giấc. Cái tác dụng phụ này đến ngày nay vẫn phát huy tác dụng, ông xe ôm đứng đầu ngã 3 Lê Thái Tổ- Hàng Trống vẫn thi thoảng tranh thủ ngả lưng lúc buổi trưa.

Hiện nay, công năng lớn nhất của chiếc ghế đá “khủng” này là phục vụ cho những người đứng đợi xe buýt ở cái trạm gần đó - trong lúc chờ, người ta thường tranh thủ tới nghỉ chân. Mặt ghế giờ cũng đã bắt đầu hằn lên dấu vết tháng năm, những vết nứt ngang, dọc xuất hiện đã dày… nhưng dù sao thì ghế vẫn còn chắc chắn lắm, ngày này qua ngày khác vẫn lặng lẽ và cần mẫn phục vụ người Hà Nội, như khẳng định sự trường tồn của mình. 

Cao Minh