Cần bàn tay sạch

ANTĐ - Những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại lại nóng. Bằng nhiều cách thức, thủ đoạn tinh vi, thông qua những con đường khác nhau, từ đường biển, đường bộ tới hàng không, đường sắt... hàng lậu vẫn tràn về những thành phố lớn gây ra tổn thất cho nền kinh tế trong nước.

Chống buôn lậu chính là bảo vệ nền kinh tế trong nước, bảo vệ môi trường đầu tư và quyền lợi người tiêu dùng cũng như góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đây là cuộc chiến không có hồi kết nhưng thực tế cho thấy, lực lượng chức năng không được phép lơi lỏng dù chỉ một phút trên mặt trận nóng bỏng này. Song có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, ở nhiều địa phương, đơn vị còn có sự buông lỏng quản lý hoặc xử lý nương nhẹ với buôn lậu.

Thậm chí, tình trạng cán bộ tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu không hiếm. Có trường hợp đã phải truy tố trước pháp luật. Vậy nên, dù tại những điểm nóng, nhất là các tuyến, cửa khẩu biên giới, điểm thông quan... lực lượng chức năng đã “giăng lưới”, tập trung lực lượng truy quét nhưng hàng lậu vẫn theo các con đường khác nhau “chảy” vào nội địa, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM...

Để tăng hiệu quả công tác chống buôn lậu, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm kiện toàn bộ máy chống buôn lậu, đảm bảo lực lượng này có đủ sức mạnh để đấu tranh với các đối tượng buôn lậu. Cùng đó, dư luận cũng đòi hỏi lực lượng chống buôn lậu phải mạnh tay hơn nữa với hành vi buôn lậu. Thực tế hiện nay cho thấy, số vụ buôn lậu bị khởi tố còn quá ít so với số xử lý hành chính. Hành lang pháp lý cũng cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Đơn cử, cần sớm có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của các lực lượng chống buôn lậu và quy định chế tài xử phạt phù hợp với trị giá tang vật nhỏ hơn 10 triệu đồng...  

Cùng với đó, để có thể đánh mạnh, đánh trúng các đường dây, ổ nhóm buôn lậu thì lực lượng chống buôn lậu phải trong sạch, không có những cán bộ bảo kê, bao che, móc ngoặc với đối tượng vi phạm. Chính phủ khẳng định không có vùng cấm trong công tác chống buôn lậu. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các lực lượng chuyên trách như Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường... phải kiên quyết kiểm tra nội bộ, điều chuyển ngay cán bộ có dấu hiệu bao che, bảo kê cho buôn lậu; xử lý nghiêm minh cán bộ có biểu hiện dung túng, tiêu cực, tham nhũng để răn đe, loại bỏ khỏi lực lượng những cán bộ mất phẩm chất.

Sau cùng, ngay cả khi đã áp dụng đồng bộ các giải pháp song nếu trên thị trường nội địa, hàng lậu vẫn được bán tràn lan thì sao chống nổi buôn lậu. Thế nên, phải làm sao quản lý được thị trường trong nước. Trách nhiệm thuộc về tất cả các cấp, ngành, địa phương. Tuy nhiên, không thể cứ nói chung chung “buông lỏng quản lý” là hết chuyện mà phải quy bằng được trách nhiệm cho người đứng đầu địa bàn để xảy ra tình trạng hàng lậu bày bán công khai.