Cấm vận dầu mỏ của Nga - Canh bạc rủi ro với EU

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang xúc tiến việc tung ra đòn trừng phạt thứ 6 nhằm vào Liên bang Nga kể từ sau “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, trong đó có việc cấm vận với dầu mỏ. Tuy nhiên, do nhiều quốc gia thành viên EU phụ thuộc rất lớn vào mặt hàng nhiên liệu đầu vào sống còn này nên đây có thể là canh bạc đầy mạo hiểm.
Đường ống dẫn dầu mang tên Druzhba - có nghĩa là Hữu Nghị từ Nga sang Hungary

Đường ống dẫn dầu mang tên Druzhba - có nghĩa là Hữu Nghị từ Nga sang Hungary

Nội bộ EU chia rẽ

Tin tức mới nhất cho biết, dù đã có bản dự thảo gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Liên bang Nga sau khi quốc gia này mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, song 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được sự đồng thuận do còn sự chia rẽ mà nguyên nhân xuất phát từ lợi ích sát sườn. Ngày 4-5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC - cơ quan hành pháp của EU) Ursula Von der Leyen đã công khai gói trừng phạt thứ 6 chống Nga, trong đó ngắt kết nối thêm 3 ngân hàng Nga (bao gồm cả ngân hàng lớn là Sberbank) ra khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT và ngừng phát sóng 3 kênh truyền hình nhà nước của Nga tại EU. Cùng với đó là trừng phạt một số quan chức cấp cao trong quân đội, một số cá nhân có liên quan trong chiến dịch “quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine. Đáng chú ý, gói trừng phạt này bao gồm một lệnh cấm vận dầu mỏ Nga theo từng bước.

Giới chức ngoại giao EU cho biết, các quốc gia thành viên liên minh sẽ chấm dứt mua dầu mỏ của Nga theo từng giai đoạn. Một số nước thành viên EU đồng ý ngừng mua dầu thô của Nga theo giai đoạn từ 6 - 8 tháng để dừng hoàn toàn việc nhập khẩu dầu từ Nga muộn nhất là vào cuối năm 2022. Một số quốc gia EU phụ thuộc quá lớn vào nguồn dầu mỏ của Nga có thể được phép kéo dài “giai đoạn chuyển tiếp” thêm vài tháng để ngừng mua dầu từ Nga. Trong các quốc gia thành viên liên minh được kéo dài thêm thời gian chấm dứt sử dụng dầu mỏ của Nga có Hungary và Slovakia. Đây là những nước mà số lượng dầu nhập từ Nga chiếm tới 80 - 90% tổng lượng dầu mỏ của họ.

Gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga lẽ ra đã được EU thông qua vào ngày 4-5 vừa qua khi đại sứ của các quốc gia thành viên liên minh gặp nhau. Tuy nhiên, kế hoạch này bất thành do chưa nhận được sự đồng thuận của tất cả 27 nước thành viên, trong các quốc gia chưa đồng thuận có Hungary. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, nước này không ủng hộ đề xuất cấm vận với dầu mỏ Nga của EU vì cho rằng phương án này sẽ “hủy hoại an ninh năng lượng quốc gia” của Hungary. Hiện có thông tin cho rằng, các thành viên EU đang tiếp tục bàn bạc để có thể thông qua gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga với thời hạn mới là ngày 9-5 tới. Tuy nhiên khả năng đạt được sự đồng thuận của tất cả 27 nước thành viên liên minh xem ra vẫn để ngỏ. Bởi một số nước thành viên EU cho đến nay vẫn ngỏ ý không tham gia lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga.

Để lệnh cấm vận dầu mỏ Nga nhận được sự đồng ý của tất cả các thành viên, EC đang cân nhắc tới một kế hoạch mang tính thỏa hiệp, theo đó cân nhắc khả năng cho phép Nga cung cấp dầu mỏ tới một số quốc gia EU thông qua các đường ống, trong khi cấm việc vận chuyển mặt hàng này bằng tàu chở dầu. Một số thành viên EU vốn dựa quá lớn vào dầu mỏ của Nga như Hungary và Slovakia có thể được miễn trừ trừng phạt và sẽ tiếp tục nhận được từ nguồn cung từ Nga. Thế nhưng, giải pháp này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận trong nội bộ EU do một số thành viên, như CH Czech và Bulgaria cũng đề nghị được miễn trừ, không áp đặt các biện pháp trừng phạt dầu mỏ Nga. Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cảnh báo, việc cấp quy chế miễn trừ cho 1 hoặc 2 nước thành viên EU phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt của Nga có thể gây ra hiệu ứng domino yêu cầu việc miễn trừ, gây ảnh hưởng tới lệnh cấm vận.

Giá đắt của cấm vận

Hơn 2 tháng kể từ khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, cùng với Mỹ, EU đã tung ra các đòn trừng phạt được cho “chưa từng có” chống Matxcơva. Tuy nhiên, EU lại tỏ ra “chùn tay” trong lĩnh vực có thể gây thiệt nặng nề nhất cho Nga là năng lượng, bởi đó là cú ra đòn “lưỡng bại câu thương” mà phần thiệt hại trước mắt và nặng nề hơn lại thuộc về chính bên ra đòn. Các nước thành viên liên minh hiện nhập khẩu khoảng 3 - 3,5 triệu thùng dầu Nga/ngày, với tổng số tiền thanh toán khoảng 400 triệu USD/ngày. Thế nên, dù số lượng than đá nhập khẩu từ Nga chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu năng lượng của Nga, song EU cũng phải khó khăn lắm mới đạt được sự đồng thuận để ra lệnh cấm vận vào trung tuần tháng 4-2022. Sự chia rẽ trong nội bộ EU về việc cấm dầu mỏ của Nga càng cho thấy liên minh này đang đau đầu thế nào.

Có thể thấy, đối với các thành viên EU, việc cắt nguồn cung cấp dầu mỏ từ Nga là điều cực kỳ khó khăn và dễ gây chia rẽ trong nội bộ, bởi khoảng 27% nguồn dầu thô của châu Âu được nhập từ Nga, nhưng có sự khác biệt về mức độ phụ thuộc giữa các quốc gia. Những quốc gia có cảng biển có thể dễ dàng tìm nguồn dầu thô thay thế từ Mỹ, Trung Đông hay các quốc gia xuất khẩu dầu thô khác ngoài Nga. Song các quốc gia nằm sâu trong nội địa, không có cảng biển và càng nằm gần Nga thì càng phụ thuộc nhiều hơn vào hệ thống ống dẫn dầu từ Nga. Một số quốc gia EU, trong đó có Hungary, Slovakia, Bulgaria… nhập khẩu tới hơn 75% nguồn dầu từ Nga và có thể gặp rất nhiều khó khăn để tìm nguồn cung thay thế. Với những nước nhập gần 90% dầu thô của Nga như Hungary thì việc việc tham gia vào việc cấm vận sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh năng lượng của chính quốc gia này. Thế nên, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto không ngại ngần khi tuyên bố thẳng vào ngày 4-5 rằng: “Chúng tôi không thể ủng hộ lệnh cấm dầu theo hình thức như hiện nay”. Lệnh cấm dầu mỏ Nga sẽ hủy hoại an ninh năng lượng của Hungary và nước này chỉ đồng ý với các biện pháp trừng phạt của EU nếu dầu nhập từ Nga qua hệ thống đường ống được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt.

Tung ra đòn trừng phạt dầu mỏ Nga, các thành viên EU nguy cơ phải đối mặt với rủi ro không nhỏ, nặng thì ảnh hưởng nghiêm trọng với an ninh năng lượng như Hungary, nhẹ hơn cũng gây khó khăn thêm cho nền kinh tế, cuộc sống người dân khi không chỉ giá xăng dầu tăng cao mà kéo theo đó là sự tăng giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng khác. Trong bối cảnh đang phục hồi sau 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành và lạm phát cao thì sự rủi ro này còn lớn hơn.

Đáng chú ý, ngay sau khi có thông tin EU lên kế hoạch trừng phạt dầu mỏ Nga, giá mặt hàng nhiên liệu đầu vào thiết yếu này đã tăng vọt trong ngày 4-5. Giá dầu thô Brent có lúc tăng 3,25% lên 108,39 USD/thùng trong khi giá dầu thô WTI tăng 3,72% lên 106,13 USD/thùng. Kho dự trữ dầu thô của Mỹ và tăng sản lượng kiểu “nhỏ giọt” của các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khó thể kìm hãm đà tăng của giá dầu thế giới dẫn tới những hệ lụy chưa thể tính toán hết vào lúc này với kinh tế các nước EU cũng như cả thế giới. Cấm vận dầu mỏ Nga, theo chuyên gia phân tích Simone Tagliapietra tại Viện Nghiên cứu Bruegel của Bỉ, là một “canh bạc rủi ro” với EU.