Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3:

Cảm hứng bất tận từ những người phụ nữ nghị lực phi thường vượt qua nghịch cảnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong dòng đời vội vã, câu chuyện của những người phụ nữ bản lĩnh, mạnh mẽ và luôn đầy ắp tin yêu cuộc sống thật sự xúc động và truyền cảm hứng. Dù độ tuổi và kém may mắn khác nhau nhưng họ luôn tìm ra con đường tỏa sáng theo cách của riêng mình để vẽ lên những bức tranh tuyệt đẹp về cuộc đời với nghị lực phi thường…

Hoa khôi 1 chân với nghị lực phi thường

Chị Bế Thị Băng (Hoa khôi vầng trăng khuyết) nhớ lại: “Năm 24 tuổi, tai nạn xảy ra khi xe container đâm vào đuôi xe máy của mình. Khi tỉnh lại, mình mới biết đã mất chân rồi. Tâm trạng rất khó tả khi đời mình đã chuyển sang một trang mới. Mình đã thành người khuyết tật. Nước mắt cứ ứa ra...”.

Bác sĩ bảo nếu may mắn sống sót, cô sẽ phải ngồi xe lăn cả đời. Không đầu hàng số phận, Băng quyết tâm, không để giường bệnh,những bức tường, những khó khăn nhốt mình lại.

“Mình định hình lại cuộc đời và tự nhủ, mình vẫn còn sống và phải tiếp tục chiến đấu”, nghĩ rồi với đôi nạng gỗ bình thường, Băng quyết tâm tập đi. Trải qua biết bao đau đớn, biết bao lần ngã với vết thương chưa lành hẳn… nhưng điều đó không làm quyết tâm đứng trên một chân của Băng giảm đi.

Điệp khúc “ngã, đứng lên, lại ngã, lại đứng lên” lặp lại quá nhiều đến mức ít ai tưởng tượng được cô gái nhỏ nhắn ấy có thể chịu được. Nhưng, với nghị lực phi thường, đến khi đặt bước chân đầu tiên lên nền nhà, Bế Thị Băng tự tin với bản thân rằng mình sẽ đứng vững, đứng chắc trên chiếc chân còn lại này.

Từ ngày định mệnh ấy, Bế Thị Băng không ngồi xe lăn một ngày nào suốt 11 năm qua và thậm chí, đến nay, như bao phụ nữ khác, Băng cũng đi giày cao gót, cũng có thể nhảy múa, làm ruộng, câu cá, nấu nướng, đi bơi, tập võ, đạp xe...

"Tôi thấy mình sống lại lần nữa. Tự tập đi, tập múa, thử những điều trước đây chưa dám làm... Khuyết tật chỉ là thứ vũ khí đặc biệt để giúp con người mạnh mẽ hơn thôi", chị Băng tâm sự.

"Hoa khôi 1 chân" Bế Thị Băng với nghị lực phi thường

"Hoa khôi 1 chân" Bế Thị Băng với nghị lực phi thường

Và Băng đã đăng quang danh hiệu Hoa khôi Vầng trăng khuyết - một cuộc thi dành cho người khuyết tật. Giờ đây, cô là Đại sứ Mottainai hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông. Sau cuộc thi,"Hoa khôi một chân" Bế Thị Băng tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, xuất hiện trong những buổi trò chuyện truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên, người yếu thế.

Chị chia sẻ: "Tôi hạnh phúc khi mang lại niềm tin, cảm hứng sống nghị lực cho những người kém may mắn. Thiếu một chân, một tay hay khuyết đi phần nào đó trên cơ thể không đáng thương và tội nghiệp. Chúng tôi sống lành lặn theo cách riêng của mình".

Nghị lực phi thường ấy cho chúng ta cảm hứng bất tận, hãy tự mình trả lời câu hỏi: “Bạn đứng trên một chân được bao lâu?” để thấy trân trọng hơn những giây phút mình đang có...

Chị Hà Bích Hảo Người sáng lập Quỹ Mầm và những người bạn

Chị Hà Bích Hảo Người sáng lập Quỹ Mầm và những người bạn

Tình thương giúp các em nhỏ thiệt thòi học hành

Chị Hà Bích Hảo (Người sáng lập Quỹ Mầm và những người bạn) mang đến câu chuyện đầy tình thương yêu. Hơn một tháng khi vừa mới sinh ra, Hà Bích Hảo bị u máu và được bố mẹ đưa đi điều trị nhưng không may lại bị bỏng laser kéo lệch một bên mặt.

Khi bắt đầu đi học và đón nhận ánh nhìn kỳ thị của những người xung quanh, Hảo mới hiểu rằng mình khác biệt. Rất nhiều lần Hảo hỏi mẹ: “Tại sao con không giống với chị và em?”. Những lúc đó, mẹ chỉ ôm Hảo và khóc.

“Mình đã trải qua 4 cuộc phẫu thuật, đã từng nghĩ sẽ đột tử khi 20 tuổi. Khi cả thế giới quay lưng với mình, bố mình có nói: nếu ngoài kia không ai cần con, hãy về nhà với bố. Câu nói đó làm mình tỉnh ngộ. Tại sao mình lại làm đau chính mình trong khi vẫn có những người luôn yêu thương mình dù có bất kỳ chuyện gì”, chị Hảo tâm sự.

Vượt lên nghịch cảnh,bỏ qua sự kỳ thị, trong những năm học cấp ba, Hảo luôn là một trong năm học sinh đứng đầu lớp. Hảo quyết tâm học tập và đỗ đại học. Suốt 4 năm học tại Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hảo luôn tích cực tham gia các câu lạc bộ, các chiến dịch vì cộng đồng.

Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên khuyết tật thành phố Hà Nội, Hảo hoạt động năng nổ để hỗ trợ các bạn sinh viên cùng cảnh ngộ.

“Khi bản thân đã trải qua nhiều khó khăn khi đi học, mình lựa chọn giáo dục đặc biệt để giúp các em khó khăn, thiệt thòi như mình được học hành với tình thương”, chị Hà Bích Hảo cho biết.

Với khát khao ấy, Hảo đã thành lập quỹ “Mầm và những người bạn”. Đến nay, Quỹ đã giúp đỡ rất nhiều trường hợp tai nạn giao thông,ung thư, hoàn cảnh khó khăn trong dịch bệnh. Quỹ cũng đang hỗ trợ các bạn nhỏ được đến trường, tìm kiếm con chữ.

Giờ đây, cô gái tự ti ngày nào giờ đã tự tin, tỏa sáng những năng lượng mới khiến cho tất cả những người tiếp xúc với Hà Bích Hảo giờ đây cảm thấy cuộc sống thật tươi đẹp và đáng sống hơn.

"Cô giáo không tay" Lê Thị Thắm

"Cô giáo không tay" Lê Thị Thắm

Để cuộc đời kém may mắn không còn chông chênh…

Đứng sau các nỗ lực đáng tự hào của những người truyền cảm hứng ấy là những người mẹ, người vợ. Những người luôn hiện hữu là điểm tựa vững chắc, như một bàn tay luôn sẵn sàng nắm lấy để người chồng, đứa con không còn chông chênh trên đường đời kém may mắn…

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó, ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, cô gái sinh năm 1998 Lê Thị Thắm (Đông Sơn, Thanh Hoá) đã không có đôi bàn tay như những người bình thường khác.

Thế nhưng, với ý chí và nghị lực vượt lên số phận, Thắm đã khổ luyện bằng chính đôi chân của mình để được sống, học tập như bao người khác. Đôi chân Thắm viết chữ rất đẹp, dùng thành thạo máy tính, cầm lược chải đầu, tự xâu kim, vẽ và thêu tranh.

“Khi thấy mẹ phải làm việc vất vả để chăm lo cho mình, nhiều lúc em rất buồn và nghĩ nếu không có mình, mẹ sẽ đỡ vất vả hơn. Nhưng nghĩ lại, mình thật may mắn khi luôn có mẹ bên cạnh. Mẹ đã dành cả cuộc đời để chăm lo cho mình. Đó là động lực để bản thân phải cố gắng hơn nữa để báo đáp cho mẹ”, Thắm rưng rưng chia sẻ…

Đó là còn là câu chuyện của chị Nguyễn Thủy Trúc (TP Hồ Chí Minh) người đã vượt qua định kiến để yêu người khuyết tật. Người yêu chị là anh Nguyễn Chánh Tín, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Bình Định, đã dồn hết sức học tập, nuôi dưỡng ước mơ thoát nghèo.

Thế nhưng, khi vừa có trong tay những thành công đầu tiên anh gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng, bị chấn thương tủy sống cổ, liệt toàn bộ tay chân. Anh Tín không đầu hàng số phận mà vươn lên, mở cửa hàng "Điện thoại di động Tín Nguyễn" kiêm tiệm tạp hóa…Thủy Trúc biết đến anh qua một lần mua hàng online…

Trong cuốn tự truyện được gõ từ máy tính bằng những ngón tay co quắp, anh Tín không chỉ kể về hành trình vượt khó khăn của mình mà còn dành riêng 1 chương viết về mối tình đặc biệt của anh với người con gái dũng cảm Nguyễn Thủy Trúc - cô gái hàng chục lần vượt 700km từ TP.HCM về Bình Định thăm anh.

“Với mình, anh Tín là người có năng lực, có tài năng, nhưng gặp biến cố nên cuộc đời trở thành con số âm, phải làm lại. Mình trân trọng nghị lực của anh để vươn lên từ nghịch cảnh. Từ đó tình cảm nảy sinh. Khi đồng ý yêu anh, mình phải đối mặt định kiến xã hội và cả gia đình. Nhưng mình sống vì chính mình, khuyết tật của anh không phải là rào cản với mình mà là thử thách để vượt qua chính mình”, Trúc nói.

Chuyện tình cổ tích của anh Tín, chị Trúc....

Chuyện tình cổ tích của anh Tín, chị Trúc....

Cảm hứng bất tận…

"Hoa khôi một chân" Bế Thị Băng sau nhiều lần xin việc và bị từ chối, đã nỗ lực chăm chỉ , cùng mở phòng khám nha khoa thẩm mỹ. Đến nay, Băng còn sở hữu trong tay một khu du lịch homestay riêng, kinh doanh mỹ phẩm…

Chị Hà Bích Hảo đã sáng lập Quỹ Mầm và những người bạn và cũng là quản lý dự án của tổ chức Helping Vietnam Children - một tổ chức thiện nguyện phi lợi nhuận mổ miễn phí cho các cháu bé có dị tật bẩm sinh hay di chứng tai nạn thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc.

Cô gái không tay Lê Thị Thắm nay đã là Cử nhân Sư phạm tiếng Anh và lan toả ý chí, sự ham học hỏi của mình cho trẻ em trong xóm qua lớp học tiếng Anh miễn phí. Anh Tín, chị Trúc vẫn tiếp tục viết tiếp chuyện tình cổ tích…

Câu chuyện của họ thật đáng khâm phục và cho ta thấy, khi cố gắng vượt qua chính mình, cuộc đời thật đẹp và đầy hi vọng…

Là người đồng hành cùng chương trình “Nối trọn yêu thương” đến với những con người có nghị lực phi thường, không chỉ vượt lên số phận, nghịch cảnh của bản thân mà còn nỗ lực chung tay cùng cộng đồng xã hội giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn… cũng là một người phụ nữ đặc biệt.

Đó là bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, tác giả cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ” khơi nguồn cảm hứng khởi nghiệp vượt qua khó khăn với tinh thần "Không gì là không thể".

“Cơ duyên đã đưa Tân Hiệp Phát đồng hành cùng hành trình để gặp được rất nhiều con người, tấm gương truyền cảm hứng để mỗi chúng ta có thêm tia sáng, động lực nhìn cuộc sống đẹp hơn. Tôi cảm cảm thấy một nguồn năng lượng rất mạnh mẽ các chị. Dù mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhưng khi đối diện trước những biến cố, khó khăn trong cuộc sống, các bạn luôn có niềm tin và yêu cuộc sống của mình, cũng như truyền cảm hứng cho tôi và tất cả mọi người”, bà Trần Uyên Phương chia sẻ.

"Cô gái sa mạc" Vũ Phương Thanh (Đại sứ thương hiệu Number 1 Active – Tập đoàn Tân Hiệp Phát) – người khiến giới thể thao tự hào khi là phụ nữ Việt Nam đầu tiên vô địch giải 3 môn phối hợp khắc nghiệt nhất hành tinh tâm sự: “Khi vượt qua các thử thách, mình nghĩ mình là người kiên cường bền bỉ, nhưng khi tham gia hoạt động cộng đồng, trước câu chuyện của những người phụ nữ ấy, tôi thấy mình phải nỗ lực hơn nữa…”.

Những trái tim mạnh mẽ là nơi chứa đựng cả yêu thương con người và bản lĩnh tinh thần khát khao cống hiến cho cuộc đời. Nhân ngày Quốc tế phụ nữ, những câu chuyện ấy như bản nhạc da diết đủ cả nốt trầm, nốt cao… kể về hành trình phi thường đầy cảm hứng với mỗi chúng ta để chạm vào cuộc đời đẹp đẽ, đầy yêu thương và hoa trái sau những nỗ lực để luôn là phiên bản tốt hơn của chính mình…