Cảm động chuyện người phụ nữ 12 năm đón thông gia về nhà chăm sóc

ANTĐ - Các con khôn lớn, lập gia đình rồi đi làm ăn xa nên bà Long ở trong con thuyền nhỏ lênh đênh trên sông. Thương bà thông gia tuổi già lại côi cút một mình, bà Quế thường qua lại chăm nom. Nhiều hôm mưa gió, không yên tâm để bà thông gia ở một mình, bà Quế thủ thỉ mời bà Long về sống với mình. 12 năm nay, bà Quế ngày ngày chăm sóc bà thông gia chu đáo và tình cảm như chị em ruột khiến nhiều người cảm động.

Đón bà thông gia về ở nhà mình

Nhiều năm nay, người dân ở xóm 6, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đều nể phục và cảm động khi nhắc đến tình cảm thắm thiết của hai bà thông gia. Nhân vật được nhắc đến là bà Nguyễn Thị Quế (SN 1932) và bà Trần Thị Long (SN 1942).

Bà Quế sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo, đông con. Kinh tế gia đình thiếu thốn, nên chị em bà không được ăn học đến nơi, đến chốn. Ngày trưởng thành, bà quen và nảy sinh tình cảm với một người đàn ông trong xã.

Sau khi lấy nhau, lần lượt 4 đứa con gái ra đời khiến gánh nặng kinh tế thêm đè lên đôi vai vợ chồng trẻ. Dù vậy, mái ấm gia đình bà luôn tràn ngập tiếng cười. Hạnh phúc tưởng chừng đã trọn vẹn thì biến cố gia đình xảy ra...

Bà Long thường xuyên đau yếu nhưng mọi sinh hoạt đều do một tay bà Quế lo toan

Năm người con út mới lên 3, chồng bà Quế mắc bệnh hiểm nghèo và ra đi không lâu sau đó. Chồng mất, một mình bà Quế gồng gánh nuôi đàn con khôn lớn. Năm 1990 bà Quế kết tình thông gia với bà Trần Thị Long trú ở xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An.

Hoàn cảnh của bà Long cũng vất vả khi chồng mất sớm, một mình bà nuôi 5 đứa con khôn lớn. Không có nhà để ở, mẹ con bà Long sống trên thuyền lênh đênh trên sông. Các con lần lượt lấy chồng, bà Long sống cùng người con út. Đến lúc người con út lập gia đình rồi đưa vợ vào nam làm kinh tế để lại bà Long một mình trên chiếc thuyền nhỏ.

Bà Quế chia sẻ: “Biết được hoàn cảnh của bà thông gia lại thấy bà ấy cũng khổ như mình. Nhưng mình còn được gần con, gần cháu chứ bà ấy sống một mình lại cô quạnh như vậy nên tôi thương. Nhiều lúc đêm hôm, mưa gió cứ nghĩ bà thông gia ở một mình tôi lại không thể ngủ được. Hàng ngày, lúc rảnh rỗi tôi cũng ra tâm sự, trò chuyện nhưng đêm hôm biết thế nào mà lần”.

Bà Quế chia sẻ về quyết định đón bà Long về nhà chăm sóc

Không yên tâm khi thấy bà thông gia sống một mình lênh đênh trên thuyền, năm 2004, bà Quế bàn với con cháu đưa bà Long về sống chung nhà. Trước quyết định của bà Quế, các con đều cảm động và ủng hộ. Tuy nhiên, khi nghe bà Quế đề nghị, bà Long suy nghĩ rất nhiều.

“Tôi sợ hàng xóm người ta dị nghị, chê trách này nọ. Tôi cũng sợ cuộc sống sau này nhỡ xảy ra mâu thuẫn gì thì lại mất đi tình cảm thông gia đang tốt đẹp”, bà Long cho biết.

Hiểu được những băn khoăn của bà Long, bà Quế thường xuyên qua lại động viên tâm tình. Về sau, cảm động trước thành ý của bà Quế, bà Long đồng ý chuyển về nhà thông gia cùng sinh sống.

Tình cảm đong đầy

Từ ngày bà Long về nhà bà Quế sống, hàng xóm láng giềng người thì cảm động, khen ngợi bà Quế. Dù vậy cũng không ít người đặt ra nghi vấn hai bà sẽ không thể chung sống lâu dài cùng nhau. Cuộc sống tuy còn khó khăn vất vả nhưng có khoai cùng ăn khoai, có cơm cùng ăn cơm, họ cùng chia sẻ ngọt bùi.

Nhìn hai bà tình cảm như vậy con cái trong nhà cảm thấy rất cảm động. Kể cả con cái, cháu chắt của bà Quế cũng xem bà Long như mẹ, như bà của mình. Mỗi năm tết đến con cái đều chuẩn bị quà cho hai mẹ như nhau.

Bà Long giãi bày: “Càng chung sống với nhau, tôi càng hiểu được tấm lòng của bà Quế, không những vậy, các con của bà ấy cũng đối xử rất tốt với tôi. Tôi thấy mình thật may mắn khi có người thông gia như bà Quế. Không phải vì bà ấy cho tôi mái nhà để ở, mà là tình cảm của bà ấy quá lớn lao. Từ ngày về sống với nhau, chúng tôi cùng ăn, cùng ngủ đêm đêm có người tâm sự thật sự rất vui vẻ”.

Hơn 10 năm chung sống với nhau, bà Quế coi bà Long như em gái của mình

Hàng ngày hai bà cùng nhau chung tay giúp đỡ con cháu, khi thì làm cỏ ngoài vườn, quét dọn nhà cửa, nấu ăn… Hai bà lúc nào cũng nói chuyện rôm rả khiến cho cả nhà rất vui.

Không chỉ tình cảm và quan tâm, bầu bạn lẫn nhau mà bà Quế còn coi bà Long như em gái của mình. Năm 2015, bà Long bị tai biến phải nằm một chỗ, chân tay không cử động được. Lúc này bà Quế đang đi thăm con ở Hà Nội.

Nhận được tin, bà Quế nhanh chóng trở về, và một tay chăm sóc bà Long. Kể từ đó, mọi sinh hoạt cá nhân từ bón cơm, thay quần áo, thay bỉm… đều do bà Quế đảm nhiệm. Được sự chăm sóc nhiệt tình của bà thông gia, bà Long bệnh tình hồi phục rất nhanh.

“Tôi thật may mắn vì có một người mẹ vợ như vậy. Mẹ chăm sóc mẹ tôi rất tận tình. Kể cả con cái cũng không làm được như bà. Không phải nói quá nhưng mẹ Quế chăm sóc mẹ Long như mẹ chăm con vậy. Có mẹ Quế chăm sóc nên mẹ tôi bình phục rất nhanh. Cảm ơn tấm lòng của mẹ. Hai mẹ sống rất đoàn kết, chăm lo cho con cháu. Tôi chỉ mong hai mẹ sống thật lâu và khỏe mạnh”, anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1967 – con trai bà Long) nghẹn ngào nói.

Ông Nguyễn Văn Lâm, xóm trưởng xóm 6 cho biết: “Thật hiếm thấy một tình thông gia như vậy. Hai bà sống với nhau tình cảm lắm. Bà Quế tuy tuổi cao nhưng vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Người dân nơi đây, thường gọi họ là “hai chị em” chứ không ai gọi hai bà thông gia. Hai bà chung sống với nhau hơn chục năm trời mà chưa khi nào để gia đình xảy ra bất hòa gì. Trong xóm, khi nhắc đến bà Long, bà Quế, ai nấy cũng đều khâm phục và cảm động vì tình cảm của hai người phụ nữ này”.

Tình cảm của bà Quế và bà Long dường như đã vượt qua tình thông gia. Giờ đây, với hai bà chỉ tồn tại sự sẻ chia, chăm sóc nhau như chị em gái.