Cầm cố, cho thuê, sử dụng căn cước công dân giả có thể bị phạt tới 6 triệu đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gọi điện đến Đường dây nóng ANTĐ, nhiều bạn đọc hỏi, thời gian qua tình trạng thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, thậm chí làm giả, sử dụng Căn cước công dân giả diễn ra khá phổ biến. Theo quy định, những hành vi này bị xử lý ra sao?

Về các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến căn cước công dân, Khoản 7 Điều 7 Luật Căn cước công dân 2014 quy định, nghiêm cấm việc cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật; Sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết thủ tục về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân;

Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về công dân; Làm lộ bí mật thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân;

Thu, sử dụng phí, lệ phí trái quy định của pháp luật; Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ Căn cước công dân; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ Căn cước công dân của người khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ Căn cước công dân; sử dụng thẻ Căn cước công dân giả;

Truy nhập trái phép, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; Thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật.

Mọi hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng căn cước công dân sẽ bị phạt nặng (ảnh minh hoạ)

Mọi hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng căn cước công dân sẽ bị phạt nặng (ảnh minh hoạ)

Về chế tài xử lý, theo Điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với một trong những hành vi:

Làm giả Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả;

Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân; Mua, bán, thuê, cho thuê Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;

Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

Mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần.

Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, Khoản 1 Điều 5 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình là 1 năm.

Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm; Với hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;

Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính chuyển đến thì thời hiệu xử phạt được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này và các điểm a và b khoản này tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.