Cái nghèo không còn bủa vây

ANTĐ - Có lẽ chỉ ở thôn Đại Tự, xã Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội) mới có sự  “lạ”, giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn đều là những nông dân. Ấy vậy mà điều hành vẫn trôi chảy, việc kinh doanh phất như diều, làng xã thay da đổi thịt.

Làng nghề Đại Tự vẫn vững vàng trong khó khăn của nền kinh tế

Ly nông bất ly hương

Ai đã có dịp đến Đại Tự cách đây hơn 10 năm, giờ trở lại mới thấy rõ sự “thay da đổi thịt” nơi đây. Từ một làng thuần nông nghèo, giờ đây nhà cửa khang trang, nhiều nhà tậu xe hơi, người nông dân “chân lấm tay bùn” trở thành những giám đốc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Những thanh niên trong thôn trở thành công nhân lành nghề với thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/tháng. Cả thôn có khoảng 40 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, mùi sơn mới, tiếng búa máy lạch cạch, tiếng đột dập liên hồi vang khắp ngõ xóm.

Ông Cấn Nhật Tân - trưởng thôn nhớ lại những ngày đầu: “Đại Tự thời xa xưa có nghề phụ dệt tơ lụa. Những năm 1960, làng chuyên sản xuất vải diềm bông. Sau một thời gian nghề dệt vải bị xóa bỏ, người dân quay lại với nghề nông và cái nghèo quanh năm bủa vây. Nhiều người chuyển sang làm gạch, tha hương khắp nơi để làm thuê, chạy chợ sống qua ngày”.

Năm 1997, bà Nguyễn Thị Sinh, người gốc thôn Đại Tự kinh doanh buôn bán két bạc ở phố Đội Cấn, đã về lập xưởng tại quê nhà, nhận người làng vào làm, rồi dạy nghề cho công nhân. Nhiều công nhân sau một thời gian làm thuê đã tự mở xưởng riêng. Trong ánh mắt rạng ngời niềm vui ông Tân nói: “Thị trường két bạc khắp miền Bắc này chủ yếu là sản phẩm của làng tôi đấy! Mỗi ngày có hàng nghìn két bạc được hoàn thiện xuất bán ra thị trường miền Bắc và miền Trung, tổng doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm”. Theo ông Tân, cả thôn có khoảng 30ha đất cấy lúa, nhưng hầu hết người dân tham gia làm két bạc, trong tổng số hơn 2.000 nhân khẩu có đến 80% lao động tham gia làm nghề. 

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề cơ khí mộc dân dụng xã Kim Chung, ông Dương Văn Lởi cho biết, toàn xã có 4 thôn, Đại Tự là nơi phát triển công nghiệp hóa mạnh nhất và có mức sống cao nhất xã, thu nhập bình quân một hộ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Hiện tại nơi đây có hơn 50 cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có 42 hộ chuyên sản xuất két bạc, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 lao động. Ở Đại Tự, không ít gia đình đã sắm được xe hơi đắt tiền. Bây giờ hầu hết người dân trong thôn không có xưởng cũng đều ở nhà để làm thuê cho các doanh nghiệp cơ khí ở Đại Tự, không còn cảnh ly hương nữa.

Những giám đốc nông dân ham học hỏi

Những doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH sản xuất và thương mại Việt Đức, Công ty TNHH Việt Mỹ, Công ty Việt Á, Công ty Việt Hàn… đều do nông dân lập nên. Ông Nguyễn Văn Thi, đại diện Công ty TNHH Két bạc Sơn Hà cho biết, tùy theo chủng loại lớn, nhỏ mà két có giá trị khác nhau, két sắt loại nhỏ giá xuất xưởng 800.000 đồng/chiếc, loại lớn có giá bán 1,4-1,5 triệu đồng/chiếc. Sản phẩm két bạc Đại Tự  được bán đi khắp các thị trường như Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa… Cơ sở của ông Thi hiện có 50 lao động, với mức lương từ 3-7 triệu đồng/người/tháng. 

Theo ông Dương Văn Tính - phó thôn, ở Đại Tự, chỉ có 2 chủ doanh nghiệp có bằng đại học, doanh nghiệp còn lại đa phần trong độ tuổi từ 30-40 đều xuất phát từ nông dân, trình độ chưa hết phổ thông trung học. Tuy nhiên, những giám đốc “nông dân” này rất năng động, ham học hỏi. Nhiều người đã tự bỏ tiền túi để theo học những lớp đào tạo ngắn hạn về quản trị kinh doanh để nâng cao khả năng quản lý điều hành công việc của mình. Bên cạnh đó, thời gian qua, Tổ chức phi chính phủ Swiss Create và YWM của Thụy Sĩ đã triển khai Dự án hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đào tạo các chủ doanh nghiệp. Các chủ doanh nghiệp ở Đại Tự đã được tham gia các khoá đào tạo miễn phí từ 3 - 6 tháng về quản trị doanh nghiệp. Ông Lởi chia sẻ: “Tôi chỉ học hết lớp 7 nhưng nhờ theo học lớp quản trị nhân sự CEO, và lớp do Tổ chức phi chính phủ YWM mở, cộng với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh, nên quản lý không còn gặp khó khăn”. 

Song, cũng như nhiều làng nghề khác hiện nay, Đại Tự đang cần một khu quy hoạch làng nghề để người dân có thể yên tâm sản xuất. Hiện tại, các nhà xưởng, doanh nghiệp vẫn sản xuất ngay trong làng, ở từng hộ gia đình. Cũng vì chưa được quy hoạch nên vấn đề môi trường chưa được quan tâm xử lý, mùi độc hại từ sơn, tiếng máy mài, máy đột dập gây ồn ào… Ông Thi chia sẻ: Tôi thuê đất ruộng để làm xưởng, trả 10 triệu đồng/sào/năm. Hợp đồng dài nhất cũng chỉ 5 năm. Trong khi đó, đầu tư nhà xưởng và máy móc sản xuất cũng vài tỷ đồng. Rủi ro rất lớn nếu như hợp đồng thuê đất hết hạn, chủ đất không cho thuê tiếp.