Cái kết của điệp viên Liên Xô đầu tiên đào tẩu sang phương Tây

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Vào những năm 1920, điệp viên Liên Xô Georgy Agabekov tuyển mộ được nhiều gián điệp và lấy được nhiều tài liệu tối mật của đối phương. Nhưng, ám ảnh nỗi lo mất mạng và mối tình với cô gái trẻ người Anh khiến ông ta bỏ trốn...
Kẻ đào tẩu Georgy Agabekov

Kẻ đào tẩu Georgy Agabekov

Tuyển mộ được nhiều điệp viên có giá trị

Georgy Agabekov (tên thật là Gevork Arutyunov) sinh năm 1895 trong gia đình người Armenia ở Ashkhabad (nay là Ashgabat, Turkmenistan). Georgy thông thạo các thứ tiếng: Nga, Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ. Georgy gia nhập Đảng Cộng sản, được Ủy ban đặc biệt toàn Nga về đấu tranh chống phản cách mạng và phá hoại tuyển dụng vào năm 1920.

Sĩ quan tình báo Georgy sau đó được cử đến Cộng hòa Xô viết Nhân dân Bukhara (tồn tại đến năm 1924), tuyển mộ được Sofia Katsman, hôn thê của người đứng đầu Cơ quan tình báo Bukhara. Nhờ đó, Georgy đã có được thông tin về hoạt động chống Liên Xô của Chính phủ Bukhara. Điều này góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ nước cộng hòa này.

Georgy sau đó được điều về Cục Đối ngoại của Tổng cục Chính trị Quốc gia toàn liên bang (OGPU) trực thuộc Hội đồng Dân ủy Liên Xô. Vào tháng 4-1924, sau khi được điều tới Afghanistan dưới vỏ bọc là trợ lý của Trưởng Ban báo chí Đại sứ quán Liên Xô, Georgy chiêu mộ được cảnh sát trưởng Kabul và một đại tá quân đội Afghanistan.

Được cử tới Iran dưới vỏ bọc thanh tra của phái đoàn thương mại, trong 4 năm, Georgy tuyển mộ được nhiều điệp viên, trong đó có 2 cựu sĩ quan Bạch vệ cấp cao, tìm ra nhiều điệp viên làm việc cho Pháp và Anh. Vào giữa năm 1928, Georgy được đưa về Mátxcơva, được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Trung và Cận Đông.

Sau khi Georgy được cử tới Ai Cập, Yakov Blyumkin - trưởng mạng lưới điệp viên tại Thổ Nhĩ Kỳ bị triệu hồi về Mátxcơva và bị buộc tội theo chủ nghĩa Trotsky rồi bị xử bắn. Georgy được giao thay Blyumkin giám sát hoạt động tình báo bất hợp pháp ở Trung Đông và đến Constantinople (nay là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) vào mùa thu năm 1929. Tại đây, Georgy yêu cô Isabel Streeter…

Isabel là người Anh, tốt nghiệp Đại học Oxford. Bố của Isabel làm việc ở Công ty Vận tải biển Lloyd và được cho là cộng tác với tình báo Anh. Đầu năm 1930, Georgy đến Đại sứ quán Anh xin hợp tác. Trong khi chờ quyết định, ông ta sang Pháp, tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với Liên Xô và bị kết án tử hình. Vì không muốn phá vỡ quan hệ với Liên Xô, Pháp yêu cầu Georgy rời khỏi nước này.

Tiết lộ khiến khoảng 400 người bị bắt

Georgy định cư ở Bỉ. Vào năm 1930, Isabel đến với Georgy và trở thành vợ ông ta. Do không có kế sinh nhai và muốn thu hút sự chú ý của các cơ quan tình báo phương Tây, Georgy viết cuốn sách về quá trình phục vụ ở OGPU. Tháng 9-1930, hồi ký của Georgy đã được đăng trên báo ở Paris, Pháp. Năm 1931, những cuốn sách này được xuất bản bằng tiếng Anh tại Mỹ. Phiên bản tiếng Nga của cuốn sách xuất hiện sau đó.

Ngoài cơ cấu tổ chức của đơn vị, cách thức hoạt động của các nhân viên tình báo, trong các cuốn sách đó, Georgy nêu tên khoảng 400 điệp viên Liên Xô ở Iran. Những người cung cấp thông tin tình báo cho Liên Xô như 3 người Iran làm việc trong Văn phòng đại diện của Tổng lãnh sự quán Anh ở Mashhad cũng bị tiết lộ. Vào mùa hè năm 1932, khoảng 400 người bị bắt. 27 người trong số đó bị kết án tù dài hạn, 4 người khác bị xử bắn…

Theo sĩ quan tình báo Pavel Sudoplatov, Georgy còn kiếm tiền bằng cách buôn lậu. Nhưng ông ta vẫn thất nghiệp, sớm bị lãng quên và ly hôn Isabel vào năm 1936. Từ năm 1931, các cơ quan đặc biệt của Liên Xô bắt đầu săn lùng ông ta. Vào năm 1937, tại Antwerp (Bỉ), Georgy làm quen với thương nhân Hy Lạp, tham gia bán đồ trang sức bị đánh cắp và rơi vào bẫy của tình báo Liên Xô.

Georgy bị giết ở dãy núi Pyrenees trên biên giới Pháp - Tây Ban Nha. Còn theo nội dung cuốn “Tình báo và Điện Kremli” của P.Sudoplatov, “trên thực tế, ông ta bị giết ở Paris sau khi bị dụ đến ngôi nhà an toàn, nơi ông ta đồng ý vận chuyển trái phép qua biên giới kim cương, ngọc trai và kim loại quý của gia đình giàu có người Armenia”…