Cái kết buồn của sàn giao dịch thương mại điện tử

ANTD.VN - Trái ngược với xu thế tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam, một số sàn giao dịch TMĐT tên tuổi lại đang thoi thóp hoặc đã đóng cửa. Nguyên nhân do đâu dẫn đến thực trạng này?

VnExpress Shop - mô hình thương mại điện tử mới sẽ tạo nên dấu ấn?

Nhiều tên tuổi lớn vội đến, vội đi

Đầu tháng 8-2016, Lingo.vn - một website TMĐT tên tuổi tại Việt Nam bất ngờ đóng cửa mà không có bất kỳ thông báo nào. Ra mắt từ tháng 8-2011 bởi Công ty Cổ phần Truyền thông VMG, hoạt động theo mô hình B2C (doanh nghiệp với khách hàng), đến tháng 3-2014, Lingo.vn tách riêng khỏi VMG, chuyên trách kinh doanh và phát triển dịch vụ TMĐT với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Lingo.vn từng đặt mục tiêu trở thành website TMĐT số 1 Việt Nam. 

Tập đoàn Đầu tư quốc tế Yellow Star Investment rót vốn vào website này. Tuy nhiên, có nguồn tin cho biết, từ năm 2012 đến hết tháng 6-2016, Lingo.vn đã lỗ tới 150 tỷ đồng. Nhà đầu tư vì vậy đã ngừng rót vốn khiến website này phải đóng cửa.    

Lingo.vn không phải là trường hợp duy nhất gặp khó khăn và phải rời khỏi thị trường TMĐT đầy hấp dẫn và mới mẻ tại Việt Nam. Trước đó, các website TMĐT khác như: Deca.vn, Beyeu.com, Foreva.vn… cũng phải dừng cuộc chơi. Trong khi đó, kết cục khác của một số website TMĐT lớn khác là phải chuyển nhượng.

Điển hình như trường hợp của Lazada - sàn TMĐT có thị phần lớn nhất Việt Nam cũng vừa được Alibaba mua lại. Tháng 4-2016, Zaloza Việt Nam của nhà đầu tư Rocket Internet cũng được sang tên cho Central Group đình đám của Thái Lan.

Tiki.vn sau khi được VNG tiếp tục đầu tư 18 triệu USD vẫn tiếp tục hoạt động với mảng kinh doanh sách, song chưa thấy hướng mở rộng. Điểm chung của phần lớn các sàn giao dịch TMĐT nêu trên là kinh doanh thua lỗ, khiến nhà đầu tư không còn mặn mà.   

Theo một đại diện của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), năm 2015, cả nước có 492 sàn giao dịch TMĐT đã được thông báo, đăng ký. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch TMĐT đã giảm so với năm 2014, từ 15% xuống còn 13%.

Đánh giá về hiệu quả bán hàng qua các sàn giao dịch TMĐT qua khảo sát doanh nghiệp cho thấy, chỉ có 14% doanh nghiệp đánh giá cao, thấp hơn so với việc bán hàng qua mạng xã hội và qua website trực tiếp của doanh nghiệp. 

Không có chiến lược phát triển bài bản

Đến nay, chưa có một báo cáo chính thức nào nêu lên các nguyên nhân khiến nhiều sàn giao dịch TMĐT của Việt Nam hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế có thể thấy các tên tuổi nêu trên dù ra đời sớm hay muộn, dù được đầu tư bởi các nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước thì đều hoạt động theo một mô-típ tương tự nhau, ít có sự khác biệt. 

Là người tiêu dùng thường xuyên qua dịch vụ mua sắm trực tuyến, chị Nguyễn Thảo Nguyên (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết: “Tôi thường đặt hàng trên Lazada vì khá uy tín. Họ giao hàng, khách ưng rồi mới trả tiền, nếu không chỉ mất tiền vận chuyển. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là thói quen, vì bạn tôi thường xuyên mua hàng trên Zaloza, cũng thấy tiện dụng”.

Theo người tiêu dùng này, ngoài uy tín và sự thuận tiện khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng ít để ý đến các tiêu chí khác. Về cơ cấu mặt hàng, các website đều na ná nhau gồm các ngành hàng thiết yếu như: đồ điện tử, gia dụng, thời trang, mỹ phẩm… có xuất xứ như nhau. Về giá cả, các website có sự cạnh tranh nhất định. Yếu tố này đang được nhiều website sử dụng làm lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần cảnh báo, cạnh tranh về giá là cuộc cạnh tranh “xuống đáy”, bởi không ít trường hợp doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường vì không chịu nổi việc bán ngang giá, thậm chí lỗ để giữ chân khách. “Những thương hiệu lớn như Apple… không nghĩ đến chuyện giảm giá sản phẩm để mở rộng thị phần và họ đã thành công”, một chuyên gia kinh tế dẫn chứng.

Ngoài ra, các website TMĐT cũng từng tính đến cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ như: dịch vụ thanh toán, tốc độ chuyển phát đơn hàng… Có thể kể đến là trường hợp của Lingo.vn, website này từng khẳng định được uy tín về chất lượng hàng và giao hàng nhanh, nhưng chỉ bằng đó vẫn chưa tạo ra được đột phá cho doanh nghiệp. Và Lingo.vn nhanh chóng bị “hòa tan” trong vòng xoáy chóng mặt của TMĐT. 

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, Trung Quốc, Australia, Mỹ, Ấn Độ có giá trị giao dịch TMĐT lớn hơn nhiều so với con số 4,07 tỷ USD (năm 2015) của Việt Nam và họ tiếp tục được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong những năm tới. Họ thành công là bởi có chiến lược phát triển bài bản, mạch lạc hơn.

Tất nhiên, không thể bỏ qua thế mạnh về nguồn lực tài chính, bởi kinh doanh TMĐT cần rất nhiều tiền. Có vẻ như, nhiều website TMĐT tại Việt Nam đã gia nhập thị trường một cách vội vã khi nhìn thấy những đánh giá “màu hồng” về tương lai phát triển của lĩnh vực này, nhất là ở một thị trường tiêu dùng màu mỡ như Việt Nam mà “quên” không tìm được một chiến lược kinh doanh bài bản. 

Suy thoái hay tăng trưởng?

Câu hỏi này được đặt ra khi nhiều người nghi ngờ về hiệu quả của các website TMĐT, đặc biệt là sau sự ra đi bất ngờ của những tên tuổi lớn. Theo báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2015, năm 2016, TMĐT tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, ngoài sự tham gia của các sàn giao dịch TMĐT, còn có website bán hàng trực tiếp, mạng xã hội…     

Gần đây, một số mô hình TMĐT mới xuất hiện. Có thể kể đến là VnExpress Shop. Sàn TMĐT mới ra mắt này kết hợp giữa lượng độc giả đông đảo của VnExpress.net và nguồn hàng được đánh giá uy tín của FPT để bán điện thoại.

Và dự kiến, cuối năm nay, Thế Giới Di Động cũng cho ra trang TMĐT mới với mặt hàng trọng yếu ban đầu, chắc chắn sẽ là hàng công nghệ - thứ tạo nên uy tín của Thế Giới Di Động ngày hôm nay. Đây có thể coi là một trong những tên tuổi mới, tạo nên hy vọng về sự tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam.   

Theo báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2015, 31% website TMĐT gặp khó khăn do nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển, 25% website đánh giá việc khách hàng thiếu tin tưởng vào chất lượng hàng hóa hoặc lo ngại về vấn đề an toàn khi thanh toán trực tuyến gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, 22% website cho rằng chi phí cho dịch vụ vận chuyển giao nhận còn cao.

Bên cạnh đó, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cũng gây khó khăn cho 20% website. Các trở ngại khác như khách hàng lo ngại về vấn đề thông tin cá nhân bị tiết lộ, mua bán; an ninh mạng chưa đảm bảo; khó khăn trong việc tích hợp thanh toán điện tử gây trở ngại ít hơn, ảnh hưởng tới khoảng 10-17% website TMĐT.

Thực trạng này buộc doanh nghiệp phải nghĩ tới giải pháp cho những vấn đề nêu trên, nếu muốn lớn mạnh trên thị trường dù hoạt động TMĐT dưới bất kỳ hình thức nào.

Học tập kinh nghiệm từ Jack Ma - “ông trùm” TMĐT đã thành công khi đầu tư mở rộng về khu vực nông thôn, “phổ thông hóa TMĐT”, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, đã đến lúc các sàn TMĐT nên nghĩ tới mở rộng thị trường thay vì cạnh tranh về giá.

Và thị trường nông thôn chính là một cái đích cần hướng đến, vừa là nơi để doanh nghiệp bán hàng, vừa là nơi để doanh nghiệp thu mua đặc sản, sản phẩm truyền thống, mở rộng cơ cấu mặt hàng kinh doanh. Biết đâu nhờ vậy, doanh nghiệp sẽ lớn mạnh trong môi trường TMĐT ngày càng khắc nghiệt này.