Cái đẹp của quy luật

ANTĐ - U 19 Việt Nam vô địch hay chưa vô địch nhưng người hâm mộ bóng đá Việt Nam đến chật kín sân Mỹ Đình.

Tại sao lại là thế. Những nhà bình luận thể thao đích thực, đủ kiến thức chưa chắc đã có câu trả lời lọt tai người Việt Nam mình.

Cứ lắng nghe! Cứ nghiền ngẫm, cứ suy tư… Cái suy tư của một dân tộc đau thương và kiêu hãnh: Đó là cái gì, là cái gì đây, hả ông, hả bà, hả anh, hả chị, hả em.

Hình như từ cả ngàn xưa lịch sử dân tộc này đã có câu trả lời. Đó là cái đẹp hay vẻ đẹp của quy luật. Chỉ có cái đẹp, vẻ đẹp trần trụi hay không trần trụi mới kéo con người ta đến thật gần hay nhìn từ xa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp. Bóng đá Việt Nam gần đây hoặc xa đây hình ảnh cực kỳ xấu xí: Xấu xí cả một giải, xấu xí từng trận, xấu xí gần như cả một đội hình, một câu lạc bộ, xấu xí cho đến từng cầu thủ. Xấu xí cả người hâm mộ, cho đến xấu xí cả không ít quan chức liên quan đến bóng đá… Xấu xí và rất xấu xí thì làm gì người Việt không quay lưng lại với bóng đá nội.

Xấu xí là tại ai. Người Việt đã có câu trả lời: Toét mắt là tại hướng đình, cả làng toét mắt một mình em đâu.

Thế là rõ, là tại cái hướng đình. Cái hướng đình bóng đá sai toét tòe loe! Làm sao mà không xấu xí:

Một nền bóng đá ăn xổi ở thì, chạy theo thành tích, chạy theo huy chương. Có những ngài quan chức còn được phong tặng là ngài của mỏ vàng, mỏ bạc. Thế là quên béng việc xây nền tảng là bóng đá trẻ. Giật gấu, vá vai cho một tấm áo rách, một tấm áo mục, càng vá càng rách, càng vá càng rụng, rụng từng mảng, rụng cho tơi tả mới mở mắt thật to ra mà rằng: Hóa ra, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức đã đúng. Ông đã nuôi dưỡng, rèn giũa một lớp bóng đá trẻ, mà những ngày tháng vừa qua đã vực dậy, đã làm nên một cảm hứng động đất, động trời trong lòng người hâm mộ. Một cảm hứng mách bảo từ người hâm mộ: Thay đổi không thì chết. Không có sự thay đổi theo tư duy Đoàn Nguyên Đức liệu có những ngày tháng rực lửa trên sân Thống Nhất, trên sân Mỹ Đình.

Thay đổi đúng quy luật, đào tạo bóng đá trẻ, trên nền tảng đào tạo ra con người. Cứ xem lớp bóng đá trẻ trong cái lò của ông, người xem bị mê hoặc, bị cảm phục hai trong một: Thái độ ứng xử với đối thủ, với trọng tài, với người hâm mộ văn hóa thế nào, tôn trọng thế nào, từng bước chuyên nghiệp thế nào; Cùng một kỹ thuật, chiến thuật bóng đá cũng từng bước mê hoặc lòng người.

Việt Nam đang hội nhập, đang xuất hiện các quyền lực mới: quyền lực đồng tiền, quyền lực ông sao, ngôi sao, quyền lực đen đúa của ông trùm ma túy, trùm nhỏ, trùm to, của tội phạm có tổ chức và hơi hướng có tý mafia.

Quyền lực phải bị kiểm soát. Trong cái lò của ông Đức, những thứ quyền lực tiền, quyền lực ngôi sao đã bị kiểm soát khá nghiêm ngặt: Không có tiền thưởng hứa hẹn cho mỗi bàn thắng. Không có sự khuyến khích những hành động tiểu xảo bẩn, thô bạo và bạo lực. Pháp quyền và kỷ luật cực nghiêm cho các hành vi bạo lực, vô học… Ngược lại các em được học văn hóa, học ứng xử và học cao học, đại học…

Cái hướng đình đúng đắn ấy đã đào tạo ra con người tương lai sống bằng nghề, bằng nghiệp bóng đá chuyên nghiệp.

U19 hay là bắt đầu từ lớp U19, kể từ năm 2014 phải chăng là lớp người quyết định “thay đổi không thì chết” của nền bóng đá nước nhà.

Từ lớp người U19 thế có chậm quá không? Thế có nhanh quá không? Tâm thế nào mà con người ta nhận biết sự nhanh chậm. Người cao tuổi trông chờ vào lớp U19 với tâm trạng nóng ruột, rối bời. Người trẻ trông chờ lớp U19 với tâm trạng à ơi.

Cái gì cũng có quy luật, nhanh cũng không được, chậm cũng chẳng xong. “Thay đổi không thì chết” là một quy luật. Hình như cái vẻ đẹp của quy luật ấy đang trao vào tay lớp người năm nay 19 tuổi. Cứ suy từ trong nhà mà ra, nhà dân thường, nhà thương gia, nhà công chức… Lớp người 19 tuổi đang nghĩ, đang hành xử… khác ông, khác bà, khác anh, khác chị… dù chúng ta giáo điều, bảo thủ, lì lợm hay hoạt ngôn, hay cấp tiến. Lớp người 19 tuổi nhất định sẽ là lớp người của sự thay đổi. Họ, chính họ sẽ mang trên mình đôi cánh cái đẹp, vẻ đẹp quy luật của muôn đời…