Cái chết tức tưởi của nữ đạo diễn trẻ tài hoa

ANTĐ - Cái chết của Adrienne Shelly, một diễn viên, đạo diễn và biên kịch người Mỹ đầy tài năng khiến báo chí nước này từng tốn không ít giấy mực. Chỉ đến khi cảnh sát kết luận về nguyên nhân cái chết của Shelly, công chúng mới được biết một sự thật đau lòng… 

Cái chết tức tưởi của nữ đạo diễn trẻ tài hoa ảnh 1Adrienne Shelly trong bộ phim cuối cùng 

Món quà cuối cùng gửi con gái

Adrienne Shelly sinh ngày 24-6-1966, mất ngày 1-11-2006. Cô sinh ra như chỉ để dành cho nghệ thuật. Với lối diễn xuất thông minh, hài hước và phong cách diễn rất gợi cảm, Adrienne Shelly được ví như Brigitte Bardot (nữ diễn viên nổi tiếng người Pháp thập niên 1950). 

Sau thành công rực rỡ với vai trò diễn viên trong bộ phim của đạo diễn người Mỹ Hal Hartley là “The Truth Unbelievable” (1989), Shelly bắt đầu viết kịch bản và vừa làm đạo diễn, vừa là diễn viên chính trong bộ phim “Waitress”, một bộ phim ngọt ngào, lãng mạn về tình yêu. Shelly cho biết, thời gian sáng tác kịch bản cũng là lúc cô mang thai con gái đầu lòng, thế nên “Waitress” là kết tinh của lòng say mê nghệ thuật, sự kì vọng vào tương lai gửi cho mầm sống đang lớn lên trong mình. Chính bản năng làm mẹ đã thôi thúc cô viết nên một kịch bản hoàn hảo.

Shelly từng tâm sự: “Tôi muốn bộ phim sẽ gửi đến khán giả một thông điệp ý nghĩa, để chúng ta luôn hành động đúng đắn trong bất kì hoàn cảnh nào. “Waitress” cũng chính là bức thư đầy yêu thương tôi gửi đến con gái Sophie sắp chào đời”. Shelly dồn hết tâm huyết vào “Waitress” và đã gửi nó đến Hội đồng thẩm định Liên hoan phim Sudance. Thế nhưng, Shelly đã vĩnh viễn ra đi trước khi chứng kiến “đứa con tinh thần” của mình được vinh danh tại LHP Sudance. 

Dàn dựng hiện trường giả

Vào lúc 17h45, ngày 1-11-2006, cảnh sát phát hiện thi thể Shelly trong tư thế treo cổ bằng một tấm ga trải giường trong bồn tắm tại căn hộ của vợ chồng cô ở số 15 Abingdon Square, Làng Greenwich, Hạ Manhattan, New York. Qua điều tra ban đầu, cảnh sát cho rằng, đây có thể là một vụ tự tử. Tuy nhiên, gia đình và bạn bè Shelly khẳng định không thể có trường hợp đó. Theo họ, sự nghiệp của cô đang lên như “diều gặp gió”, hơn thế, Shelly đang rất hạnh phúc với người chồng thành đạt, rất yêu thương cô cùng cô con gái 3 tuổi đáng yêu. Chồng của Shelly, anh Ostroy cũng khẳng định vợ mình không hề có dấu hiệu tự kỷ hay trầm cảm và cho biết sau cái chết của vợ, anh phát hiện ví của Shelly đã bị mất tiền. Khám xét hiện trường, cảnh sát cho biết, vụ án có nhiều nghi vấn và trước sự đồng ý của gia đình nạn nhân, đội pháp y được điều đến để khám nghiệm tử thi vào ngày 2-11-2006. 

Đến ngày 6-11-2006, cảnh sát bắt giữ tên Diego Pillco, 19 tuổi, người Ecuador, một kẻ nhập cư bất hợp pháp làm nghề công nhân xây dựng. Tên Diego Pillco khai đã giết Shelly vì cô phàn nàn về tiếng ồn khi hắn đang sửa chữa căn hộ phía dưới. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của cảnh sát, Shelly không hề phàn nàn về tiếng ồn mà cô bắt gặp tên này đột nhập và ăn trộm tiền của cô. Ngay khi phát hiện, Shelly gọi báo cảnh sát thì bị tên trộm Pillco giằng lấy điện thoại và bịt miệng cô lại cho đến khi Shelly ngất đi, gã côn đồ Pillco vớ lấy tấm ga trải giường, buộc quanh cổ Shelly rồi treo cô lên, giả hiện trường một vụ tự tử. 

Tại phiên tòa diễn ra hôm 6-3-2008, Pillco tuyên bố hắn không biết Shelly vẫn còn sống khi hắn treo cổ cô. Tuy nhiên, kết quả giám định pháp y cho biết, khi bị treo cổ Shelly vẫn còn sống. Tòa án tuyên phạt 25 năm tù cho gã côn đồ Pillco. Do quá đau khổ trước cái chết của vợ, anh Ostroy đã kiện nhà thầu Bradford nơi thuê Pillco làm việc. Vụ kiện kéo dài đến ngày 7-7-2011, tòa án kết luận anh Ostroy không đủ căn cứ pháp lý cáo buộc nhà thầu Bradford phải chịu trách nhiệm về tội ác của Pillco. Để tưởng nhớ người vợ quá cố, anh Ostroy đã thành lập tổ chức từ thiện “Adrienne Shelly Foundation” và cho xây đài tưởng niệm dành riêng cho Shelly đối diện với tòa nhà nơi Shelly chết.