Những kỳ án “Bất đắc kỳ tử” sau “bàn mổ”

ANTĐ - Theo báo cáo của Bộ Y tế và Bộ Công an Trung Quốc, trong năm 2013 có 11 vụ tấn công bạo lực nhằm vào nhân viên y tế đã xảy ra tại các bệnh viện thuộc 8 tỉnh, khiến cho 7 người chết, làm bị thương 28 người trong đó bao gồm cả bác sĩ, bệnh nhân và nhân viên an ninh. Chính quyền Trung Quốc cảnh báo, những vụ tấn công liên tiếp vào đội ngũ y - bác sĩ trong vòng 2 năm trở lại đây đang là một xu hướng đáng lo ngại trong hệ thống chăm sóc y tế nước này. 

Cuộc biểu tình đòi bảo đảm an ninh của nhân viên y tế tại thành phố Ôn Lĩnh

Liên tiếp những vụ tấn công bác sĩ

Cái chết tức tưởi của bác sĩ Shan Erhui tại một bệnh viện ở huyện Fengxian, tỉnh Giang Tô vào ngày 8-4 vừa qua, một lần nữa “hâm nóng” vấn đề bạo lực thường xuyên xảy ra đối với đội ngũ nhân viên y tế ở Trung Quốc những năm gần đây. Theo hãng thông tấn Tân Hoa xã, nghi can trong vụ này là Wang Fangli. Hung thủ rất có thể vì “bất mãn” với kết quả cắt bao quy đầu của mình, mà đã mang dao chém người bác sĩ đã tiến hành ca phẫu thuật vào tuần trước cho Wang tới chết. Còn trước đó mới hơn 1 tháng (ngày 17-2), bác sĩ Sun Dong Tao - Trưởng khoa Tai, Mũi, Họng, Bệnh viện tỉnh Hắc Long Giang bị giết hại bởi chính bệnh nhân của mình. Theo điều tra của cảnh sát, một người dân địa phương có tên là Qi, vì không hài lòng với kết quả thăm khám mũi cho mình của bác sĩ Sun mà lên kế hoạch trả thù. Cầm một thanh sắt dài 50cm, Qi lẻn đột nhập vào phòng khám riêng của bác sĩ Sun rồi liên tục đánh vào đầu bác sĩ Sun. Mặc dù đã được đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng vì những vết thương quá nặng, người bác sĩ này không may tử vong.

Ngược lại thời gian vào cuối tháng 10-2013, sau cái chết đau đớn của bác sĩ khoa Tai - Mắt - Mũi - Họng Wang Yunjie tại Bệnh viện Nhân dân Số 1 ở thành phố Wenling, miền Đông Trung Quốc, đã khiến khoảng 300 nhân viên y tế thành phố Ôn Lĩnh, tỉnh Chiết Giang biểu tình bên ngoài Bệnh viện Nhân dân Số 1 để đòi chính quyền đảm bảo sự an toàn cho giới y bác sĩ. Hung thủ Lian Enqing, 33 tuổi được xác định đã chữa bệnh nội trú tại Trung tâm Bệnh tâm thần Thượng Hải. Các bác sĩ ở Trung tâm chẩn đoán Lian bị chứng hoang tưởng và ảo giác. Lian được ra viện ngày 15-10-2013, tức 10 ngày trước khi xảy ra vụ sát hại bác sĩ Wang Yunjie. Trước đó vài ngày, một người đàn ông bị biến chứng sau phẫu thuật cánh tay, nhảy khỏi tầng thượng một bệnh viện ở tỉnh Liêu Ninh sau khi đâm một bác sĩ 6 nhát. Trong một vụ vì nghi ngờ các bác sĩ ở tỉnh Quảng Đông đã sai sót khi tác nghiệp khiến nạn nhân thiệt mạng, người nhà của nạn nhân đã tập trung đánh hội đồng 2 bác sĩ, gây chấn thương nặng.

Những bất cập nổi cộm, dai dẳng

Báo cáo do Hiệp hội Bệnh viện Trung Quốc công bố tháng 8-2013 khẳng định nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực gia tăng ở các bệnh viện là do kết quả chữa bệnh không đáp ứng kỳ vọng của người dân, trong khi chi phí khám chữa bệnh cao kèm theo thái độ phục vụ kém của y bác sĩ... Trong vụ tấn công bác sĩ Wang Yunjie, sát nhân “bất đắc dĩ” Lian sống ở một vùng quê nghèo và có thu nhập chỉ 300 USD/tháng. Chao - chị của Lian cho biết, Lian đã hết sức giận dữ sau khi chi hơn 13.000 USD vào một cuộc phẫu thuật và điều trị nhưng thất bại. Khó chịu, bứt dứt trong người khiến Lian mất ngủ triền miên. Cộng thêm chứng đau đầu kinh niên, Lian trở nên cục cằn, thậm chí muốn đập phá đồ đạc và hành hung người khác.

Trong một số vụ tấn công, gây án mạng có nguyên nhân từ chính nạn “bồi dưỡng phong bì”. Sau khi đưa hối lộ, nếu kết quả điều trị không tốt, rất nhiều bệnh nhân tức giận, thậm chí không kiểm soát được bản thân, gây ra tội lỗi. Tình trạng quá tải nghiêm trọng ở các bệnh viện cũng khiến người dân bức xúc. Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, năm 2010 ở Trung Quốc cứ 1.000 dân thì chỉ có 1,4 bác sĩ. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khác là giá thuốc quá cao. Trên thực tế do lương bác sĩ quá thấp, thu nhập của bác sĩ tại các bệnh viện lớn ở Trung Quốc chỉ khoảng 3.000 NDT (500 USD)/tháng, khiến ngày càng nhiều bác sĩ tham gia các phi vụ dược phẩm để kiếm hoa hồng.

Nỗ lực xoa dịu căng thẳng

Trước tình trạng bạo lực ngày càng nhiều với mức độ tăng nặng đối với người làm tại bệnh viện, bắt đầu từ tháng 4 này, chính quyền Bắc Kinh (Trung Quốc) thực hiện giải pháp tuyển dụng 1.500 tình nguyện viên làm việc một năm tại 21 bệnh viện ở Bắc Kinh để… bảo vệ đội ngũ y-bác sĩ. Những “thiên thần hộ mệnh” này là những nhóm sinh viên, nhân viên y tế và bệnh nhân, sẽ đứng ra làm trung gian giữa bác sĩ và thân nhân cùng người bệnh nhằm xoa dịu những bất đồng và căng thẳng giữa đôi bên. Trước đó, đầu năm 2014, Bắc Kinh cũng đã tăng cường an ninh tại các bệnh viện, thậm chí triển khai cảnh sát đến tuần tra tại một số bệnh viện.

Cảnh sát thủ đô Bắc Kinh cũng đã thiết lập hàng loạt phòng cảnh vụ tại 50 bệnh viện lớn trên toàn thành phố. Các “y cảnh” (cảnh sát y tế) tại các bệnh viện có nhiệm vụ xuất hiện kịp thời để ứng cứu các bác sĩ trong trường hợp họ bị đe dọa, đánh đập. Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình cùng Bộ Công an Trung Quốc cũng đã ra lệnh các bệnh viện tăng cường kiểm tra an ninh để hạn chế việc người nhà bệnh nhân mang dao hay các loại hung khí nguy hiểm vào bên trong. Các bệnh viện cũng phải lắp đặt hệ thống máy quay để phát hiện sớm các trường hợp gây rối. Ngoài tăng cường biện pháp trừng phạt những ai gây rối trong bệnh viện, đầu tháng 2, Bộ Y tế Trung Quốc cũng phát động chiến dịch càn quét “bao thư đỏ” hối lộ cho bác sĩ để cải thiện việc khám và điều trị.

Hiện nay, ngành y đang trở thành nghề vô cùng nguy hiểm ở Trung Quốc. Theo điều tra của Hiệp hội Bệnh viện Trung Quốc (CHA), bạo lực chống nhân viên y tế khiến cho gần một nửa số bác sĩ ở nước này muốn đổi nghề. Kết quả một cuộc khảo sát của Hiệp hội bệnh viện Trung Quốc vào cuối năm 2013 cho thấy, gần 40% các bác sĩ muốn đổi nghề và hầu hết các bậc cha mẹ không muốn con cái đi theo ngành y.