Cái chết oan ức của các "ma chài" vùng cao

ANTĐ - Páo dựng 2 chiếc đũa và kẹp quả trứng gà ở giữa, đọc tên tuổi, địa chỉ người mà hắn nghi là "ma chài" rồi khấn. Nếu quả trứng rơi xuống vỡ thì người đó không phải là "ma chài", còn quả trứng không rơi thì đúng người đó là "ma chài".

Hàng trăm năm nay, trên những bản làng nằm lưng chừng núi ở vùng cao Tây Bắc, đồng bào dân tộc thiếu số đã bị ràng buộc bởi quan niệm bùa chú, ma chài vô cùng khắc nghiệt. Có người bị cả bản làng hắt hủi vì nghi là ma chài gây bệnh tật ốm đau cho bà con. Có người còn bị tước đoạt cả mạng sống trong sự oan uổng tột cùng. Trớ trêu thay, những người gây tội ác lại được coi là người "thay trời hành đạo", trừ họa cho dân bản. Quan niệm mê tín dị đoan đã đẩy cuộc sống của bao gia đình vào con đường cùng cực.

Gây tội ác vì niềm tin mù quáng

Con đường đất dẫn đến bản Trạm Púng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên trơn trượt khi cơn mưa chiều tầm tã đổ xuống vạt đồi sũng nước. Nóc nhà của Vàng A Páo đã hiện dưới màn mưa trắng xóa, nhưng phải đi bộ gần 30 phút mới tới nơi. Căn nhà tan hoang, lãnh lẽo như không còn sự sống kể từ ngày Páo bị bắn chết. Đau khổ hiện rõ trên gương mặt khắc khổ của vợ Páo. Kể từ ngày chồng chết, người phụ nữ này bước vào cơn bĩ cực vì dân bản gọi Páo là "ma chài", chết là đáng.

Khoảng 1 năm trở lại đây, Páo trở nên nổi tiếng khi bị dân bản gọi là "ma chài". Nguyên do là trong bản có nhiều trẻ em bị chết không rõ nguyên nhân. Có trẻ còn trong bụng mẹ, nhưng vừa chào đời đã tím tái, đưa đi cấp cứu thì không qua khỏi. Có trẻ ngã xuống hố nước nông cũng tử vong. Dân bản tỏ ra hoang mang và cho rằng trong bản có con "ma chài" hành nên trẻ mới bị chết thảm như vậy. Nhưng "ma chài" là ai thì dân bản lại chưa biết.

Trong số trẻ bị chết đó có con trai của Vàng A Sinh, SN 1967. Con trai Sinh bị ho kéo dài, đã mời thầy cúng về giải bệnh nhưng không khỏi. Bệnh ngày càng nặng, Sinh phải đưa con tới Trung tâm Y tế huyện nhưng vừa tới nơi thì cháu bé đã tử vong. Thương con, Sinh lú lẫn cho rằng con mình bị "ma chài" bắt phải chết nên đâm ra thù hận muốn tìm "ma chài" để giết. Người đầu tiên Sinh nghĩ tới chính là Vàng A Páo bởi giữa hai người có mối thâm thù từ nhiều năm nay. Gia đình Páo và Sinh trước đây sinh sống ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, cùng di cư về Mường Nhé từ năm 2005. 

Hiện trường một vụ án giết "ma chài" ở vùng cao

Chuyện có lẽ không có gì xảy ra nếu như vợ Sinh không đột ngột qua đời vì bạo bệnh, còn Sinh phải đi tù về tội tàng trữ ma túy. Khi vừa mãn hạn tù trở về, thấy Páo lù lù sống ở cùng bản nên Sinh tỏ ra rất tức giận. Từ nhà Sinh nhìn sang bên kia thung lũng là thấy nóc nhà của Páo, nó chẳng khác nào chiếc gai trong mắt. Nhiều lần Sinh muốn đuổi Páo đi và đã đe dọa giết nếu Páo cứ sống ở đó. Nhưng Páo không đi, lại còn trồng cây thuốc trên nương mà Sinh cho đó là đất của mình, thế nên càng khiến Sinh tức giận. Anh ta nghi chính Páo là "ma chài" nên vợ anh ta mới chết, nên phải giết Páo cho bằng được.

Lần thứ nhất, năm 2008, vợ chồng Páo đang ngồi ở cửa nhà thì nghe tiếng đạn nổ. Viên đạn nhằm vào Páo nhưng bị lệch vào liếp cửa. Trong lúc hỗn loạn, vợ Páo kịp nhìn thấy người bắn chồng mình mang mũ bịt mặt dáng người giống Vàng A Sinh. Nhưng người bắn trốn thoát nên không có chứng cứ.

Không giết được "ma chài", Sinh càng hận thù sâu sắc hơn. Đầu năm 2013, con trai Sinh bị chết do ốm nhưng hắn lại không tin điều này, một mực đổ tội cho Páo là "ma chài". Để khẳng định điều mình nói, Páo dựng 2 chiếc đũa và kẹp quả trứng gà ở giữa, đọc tên tuổi, địa chỉ người mà hắn nghi là "ma chài" rồi khấn. Nếu quả trứng rơi xuống vỡ thì người đó không phải là "ma chài", còn quả trứng không rơi thì đúng người đó là "ma chài".

Khổ thân cho Páo, khi Sinh đọc tên Páo và khấn xong, quả trứng vẫn đứng yên. Hắn kích động, lôi kéo đám thanh niên trong bản cho rằng Páo chính là "ma chài" đã giết hàng loạt trẻ em. Thế là lòng hận thù mù quáng đã khiến Sinh không phân biệt được đúng sai, tìm đúng thời điểm bữa cơm của Páo để ra tay. Ngày 9-4-2013, Páo đã bị trúng đạn khi đang ngồi ăn cơm.

Cả bản kỳ thị vì nghi "ma chài"

Những cái chết oan ức do bị đổ là "ma chài" khiến cho vùng cao Điện Biên có thời điểm nóng như chảo lửa. Những người dân vô tội khi bị gán cho là "ma chài" bỗng dưng bị cô lập. Người đàn bà ở bản Huổi Đắp, xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ có tên Vảng Thị Mỷ là một điển hình cho nạn nhân của hủ tục tồn tại lâu đời ở vùng cao này. Trong bản có một đứa trẻ học lớp 10 bị ốm. Nó là con của Lý A Sở. Con ốm nhưng Sở không đưa đi viện mà ở nhà chữa thuốc lá. Khi con ốm rất nặng, Sở mới đưa đi. Chưa kịp tới viện thì đứa trẻ không qua khỏi. Sở khóc lóc vật vã và chôn con ngay trên đường đi. Vì quá thương nhớ con, Sở một mực tin rằng con mình bị ma chài bắt mà chết, chứ nó không có bệnh tình gì.

Ai là ma chài? - câu hỏi này cứ lởn vởn trong đầu Sở. Ở bản Huổi Đắp chỉ có Vàng Thị Mỷ làm nghề thầy cúng. Không may cho Mỷ là khi con Sở ốm, chị ta có hỏi Sở "Mày đưa tao cúng cho, nếu không cúng con mày chết đấy!". Vin vào câu nói này, Sở một mực tin rằng chính Mỷ là "ma chài" nên đã khiến con của mình phải chết. Nhưng để chắc chắn, Sở gieo một quẻ bói bằng cách kẹp quả trứng vào 2 chiếc đũa cắm vào bát cơm khấn tên Mỷ. Quả trúng vẫn đúng trơ lơ. "Thế là đúng rồi. Đích thị là nó"- Sở lẩm bẩm. Kế hoạch trả thù người phụ nữ vô tội đã được vạch ra. Đợi đúng lúc mọi người nhà Mỷ đi vắng, hắn khoác áo mưa, chụp mặt nạ kín mít, đeo găng tay lẻn vào. Qua liếp cửa, hắn thấy Mỷ và đứa con 2 tuổi đang ngồi ăn cơm nên đã dùng dao chém từ phía sau khiến chị này gục ngay tại chỗ.

Hả giận vì đã giết được "ma chài", Sở vứt dao, áo mưa, găng tay ở một bụi rậm trên nương và ung dung về nhà như chẳng có chuyện gì xảy ra. Mãi sau này, khi Sở bị bắt, các điều tra viên mới giật mình trước nhận thức vô cùng lạc hậu của anh ta, rằng anh ta đã "trừ họa cho dân làng".

Đau đớn thay, trước đó vào năm 2011, cũng tại bản Huổi Đắp, một nạn nhân khác là chị Giàng Thị Sú 39 tuổi cũng bị bắn chết vì nghi là "ma chài". Chẳng hiểu sao, người trong bản cứ rỉ tai nhau rằng Sú là "ma chài" nên phải "xử lý" để trừ họa cho dân bản. Trong số những người rêu rao ấy có Thào A Páo. Tuy ghét Sú nhưng Páo không dám trực tiếp ra tay mà phải nhờ đến Thào A Hồ lấy mạng Sú với giá 3 triệu đồng. Sau cái chết oan ức của chị Sú, bố con anh Thào A Sành chồng chị phải sống trong sự kỳ thị của nhiều bà con. Do mặc cảm trước ánh mắt, sự nghi ngờ của bà con trong bản, anh Sành và 4 đứa con phải dựng tạm một ngôi nhà nằm lẻ loi cuối bản, nơi hun hút gió.

Thào A Hồ và Thào A Páo.

Sự kỳ thị của bà con dân bản đối với người bị nghi là ma chài chính là nỗi trăn trở lớn đối với các cán bộ Công an. Bởi, ngoài tác động xấu đến đời sống kinh tế -xã hội của bà con, sự kỳ thị đó chính là rào cản khiến công tác phá án gặp vô vàn khó khăn.

Rào cản phá án

Là người khám phá nhiều vu án liên quan đến ma chò, ma chài, Thiếu tá Lò Văn Minh, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Điện Biên trăn trở về vấn đề nhận thức của đồng bào dân tộc. Anh tâm sự, khi một người bị coi là "ma chài" bị giết chết, những người có nhận thức không đầy đủ đã vin vào lối suy nghĩ thiếu căn cứ rằng người kia đã trừ họa cho dân bản. Bởi vậy, họ mù quáng bảo vệ cho kẻ gây án. "Có những vụ án liên quan đến quan niệm "ma chài", chúng tôi phải mất mấy tháng bám bản điều tra mới tìm ra thủ phạm. Thủ phạm ngay trong bản, có người biết nhưng không nói. Chúng tôi phải phát phiếu tố giác, sử dụng người có uy tín tổ chức các cuộc họp để tuyên truyền, vận động. Thậm chí trong các cuộc họp này người ta còn rỉ tai nhau không cung cấp thông tin cho cán bộ". Để đưa được thủ phạm ra ánh sáng, các trinh sát, điều tra viên của Công an tỉnh, Công an huyện đã vô cùng vất vả. Chúng tôi cảm nhận được nỗi buồn trong câu chuyện của Thiếu tá Minh, đó là nỗi buồn về nhận thức của bà con dân bản vẫn chưa được nâng cao.

Nói về quá trình khám phá hai vụ án xảy ra gần đây đối với đối tượng Vàng A Sinh và Lý A Sở, Thiếu tá Vũ Đại Thắng, Đôi trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an huyện Mường Nhé cho biết: "Cả 2 vụ án này, đối tượng đều rất ranh mãnh xóa dấu vết, luôn lởn vởn quanh hiện trường để nghe ngóng. Đặc biệt, chúng rất tích cực cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra truy tìm thủ phạm. Tuy nhiên, chính hành động nhiệt tình đó lại tố cáo tội ác mà chúng đang muốn che giấu". Điều đau lòng và đáng nói khi chúng tôi thu thập tài liêu về hai vụ án này, chính là con của Sở và Sinh đều bị viêm phổi cấp nhưng không được chữa trị kịp thời, khi tới được bệnh viện thì đã tử vong. Tập tục lạc hậu đã ăn sâu bám rễ vào đồng bào dân tộc Mông là chữa bênh bằng cách mời thầy mo, thầy cúng. Hậu quả tất yếu của việc không được thăm khám và chữa trị kịp thời đã cướp đi sinh mạng của nhiều người bệnh vô tội

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam: Quan niệm về ma chài đã tồn tại hàng trăm năm nay trong đồng bào dân tộc, có cả dư luận về chài yểm để giải quyết mâu thuẫn, làm hại nhau, thậm chí cả để chiếm tình yêu. Có những trường hợp chúng ta chưa giải thích được. Nhưng chủ yếu những vụ việc xảy ra liên quan đến ma chài gây ảnh hưởng tới văn hóa, xã hội ở vùng núi cao là do có người lợi dụng quan niệm ma chài để giải quyết mâu thuẫn, có trường hợp do nhận thức chưa cao, bị tác động bởi những lời đồn đại. Bởi vậy, chúng ta phải nâng cao nhận thức cho bà con.

Đại úy Pờ Pờ Sởn, Phó Trưởng Công an huyện Mường Nhé cho biết, những năm trước quan niệm ma chài ảnh hưởng lớn đến tình hình ANTT địa phương. Nhưng gần đây, do đường giao thông đã thuận lợi hơn trước nhiều, bà con đã có ý thức đưa người ốm đi cở sở y tế chữa bệnh nên quan niệm ma chài gây ốm đau đã giảm hẳn. Hiện cơ quan Công an vẫn đang tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể thôn bản để nâng cao nhận thức cho người dân, phân biệt đúng sai.