Cách tính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp khi chuyển nhượng công ty cho người khác

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Cách đây 3 năm tôi đã mở một công ty kinh doanh hàng nông sản, tham gia đầy đủ bảo hiểm theo quy định. Nay tôi có dự định chuyển vào làm tại cơ quan Nhà nước nên muốn chuyển nhượng công ty cho một người bạn. Trong trường hợp này chế độ bảo hiểm của tôi sẽ được giải quyết ra sao thưa luật sư? Lưu Xuân Hoàng (Hải Phòng)

Luật sư trả lời:

Cách tính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp khi chuyển nhượng công ty cho người khác ảnh 1Luật sư Hoàng Huy Được 

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đã tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên khi bạn chuyển nhượng công ty và không tham gia BHXH, BHTN nữa thì bạn có thể nộp hồ sơ hưởng các chế độ của bảo hiểm. 

Do bạn là người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương, không có hợp đồng lao động nên sẽ không có người ký quyết định chấm dứt HĐLĐ cho bạn. Vì vậy, khi bạn chuyển nhượng công ty cho người khác, không tiếp tục tham gia BHXH nữa thì bạn sẽ làm thủ tục báo giảm và chốt sổ BHXH để được hưởng các chế độ của bảo hiểm. 

Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, người lao động quy định tại khoản 1, Điều 2 của luật này mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp:

 Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của luật này mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại khoản 3, Điều 54 của luật này mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; Ra nước ngoài để định cư; Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm…

Bên cạnh đó, Điều 1, Nghị quyết 93/2015/QH13 cũng nêu rõ, người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Nếu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Nếu bạn tham gia BHXH dưới 20 năm và sau một năm chuyển nhượng công ty mà không tiếp tục đóng BHXH nữa thì có thể nộp hồ sơ đến cơ quan BHXH quận, huyện nơi bạn cư trú để hưởng BHXH một lần. 

Đối với BHTN, Điều 46 Luật Việc làm 2013 quy định hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo đó, trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm.

Cách tính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp khi chuyển nhượng công ty cho người khác ảnh 2Tham gia BHXH dưới 20 năm và sau 1 năm chuyển nhượng công ty mà không tiếp tục đóng BHXH thì có thể nộp hồ sơ để hưởng BHXH một lần (Ảnh minh họa)

Vì bạn là người quản lý có hưởng lương tham gia BHTN nên bạn không cần mang giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động mà thay vào đó là các giấy tờ chứng minh bạn không thuộc đối tượng tham gia BHTN nữa như quyết định chuyển nhượng công ty hoặc các giấy tờ khác có liên quan. Sau đó, bạn nộp hồ sơ đến Trung tâm dịch vụ việc làm để hưởng BHTN.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn. ANTĐ