Cách nào kiểm tra thông tin thuê bao đã được chuẩn hóa chưa?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Người dùng di động có thể tự kiểm tra thông tin xem đã chuẩn hóa chưa để tránh bị khóa sau ngày 31-3.
Khách hàng có thể tự kiểm tra thông tin đã chuẩn hóa chưa từ ứng dụng (app) của nhà mạng

Khách hàng có thể tự kiểm tra thông tin đã chuẩn hóa chưa từ ứng dụng (app) của nhà mạng

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết, các thuê bao di động chưa được chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa sau ngày 31-3.

Các nhà mạng sẽ nhắn tin tới thuê bao chưa có thông tin chuẩn xác để khách hàng nắm được, chủ động bổ sung, cập nhật thông tin.

Theo đại diện VinaPhone, ngoài cách này, nhà mạng này còn giúp người dùng kiểm tra và cập nhật thông tin qua 3 phương thức: qua ứng dụng, website và tại điểm bán.

Trong khi đó, thuê bao Viettel có thể tải ứng dụng My Viettel để kiểm tra. Khách hàng có thể vào mục “Tiện ích di động”,chọn chuẩn hóa thông tin để cập nhật. Nếu kết quả trả về là “Thuê bao không nằm trong diện chuẩn hóa” thì tức là thông tin thuê bao đã chính xác.

Với thuê bao MobiFone, khách hàng có thể gọi 18001090 (miễn phí) để yêu cầu kiểm tra thông tin thuê bao.

Bên cạnh các đó, thuê bao tất cả các mạng đều có thể nhắn tin theo cú pháp TTTB gửi đến 1414 (cước: miễn phí) để kiểm tra thông tin có trùng với CMND hay không.

Đại diện các nhà mạng cho biết, việc chuẩn hóa thông tin hiện gặp một số khó khăn do khách hàng đông, nằm rải rác ở các tỉnh, thành phố nên việc triển khai có khó khăn nhất định. Ngoài ra, một số giấy tờ vẫn chưa được “số hóa” nên cần nhập thủ công.

Theo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), Việt Nam hiện có khoảng 127 triệu thuê bao di động, trong đó 96% thuộc về ba nhà mạng lớn là Vinaphone, Viettel, MobiFone. Hiện mỗi nhà mạng lớn có hơn một triệu thuê bao cần chuẩn hóa thông tin.

Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động là một trong các hoạt động nhằm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".