Cách cư xử hiếu thảo và khéo léo với bố mẹ hay hờn dỗi

ANTĐ - Con cái vẫn quen được bố mẹ chiều chuộng và dỗ dành khi hờn dỗi, khi gặp chuyện không vừa ý nhưng đến một tuổi nhất định trong cuộc đời, câu chuyện này sẽ có sự đảo chiều.

Con cái sẽ trở thành người dỗ dành bố mẹ bởi khi về già, bố mẹ thường trái tính, trái nết, dễ phật ý bởi những chuyện rất nhỏ và hay suy diễn. Cuộc sống gia đình vì thế tất có nhiều biến đổi nhưng rồi đâu cũng vào đó vì các con đã giải quyết chuyện này bằng toàn bộ tình yêu của mình dành cho những đấng sinh thành…

Mẹ dỗi con trai và màn kịch bênh mẹ của con

Cuộc sống gia đình vốn êm ấm của Hạnh (Kim Mã, Hà Nội) bỗng dưng "dậy sóng" kể từ ngày mẹ chồng cô lên sống cùng gia đình. Mọi quan hệ mẹ chồng nàng dâu vốn vẫn là vấn đề được nói nhiều trong mỗi gia đình vì thường thì hai người phụ nữ này luôn luôn không hòa thuận, thi nhau tranh giành tình yêu từ người đàn ông của gia đình nhưng nhà Hạnh thì khác hẳn. Thậm chí, cô còn chẳng bao giờ phải lo lắng đến chuyện đó. Mẹ chồng và Hạnh rất hợp nhau.

Người ngoài không biết còn ngỡ bà và Hạnh là hai mẹ con còn Thành, chồng Hạnh, là con rể trong nhà. Có chuyện gì hai mẹ con cũng rủ rỉ tâm sự cùng nhau. Hạnh là người được mẹ chồng bênh nhất còn Thành thì phải chịu lép vế. Lắm lúc anh đùa mẹ: "Thế mẹ là mẹ con hay mẹ của bà Hạnh kia?". Mẹ anh nhíu mày: "Cả hai nhưng tao thương con Hạnh hơn". Hạnh về quê thì mẹ chồng mừng lắm, nấu hết thức này đến thức nọ cho con dâu ăn. Nếu Thành về một mình thì phải tự lo tất cả. Anh cũng thấy làm lạ nhưng thấy vợ và mẹ mình hòa thuận thì Thành cũng rất mừng. Đến khi mẹ chuyển lên ở cùng vợ chồng anh, mọi chuyện vẫn đâu vào đấy cho đến khi mẹ anh đổi tính.

Bà bỗng dưng trở nên khó tính kì lạ. Mọi người nói đó là chuyện thường, càng có tuổi thì người ta càng hay để ý. Con cái chỉ cần để ý rồi cư xử cho đúng mực là được nhưng đúng mực là như thế nào thì cũng thật khó để định ra giới hạn. Mẹ Thành bỗng dưng rất hay hờn dối và so đo với con dâu. Trong bữa cơm, Thành gắp đồ cho mẹ rồi tiện gắp luôn cho vợ. Không khí bữa ăn đang bình thường thì bỗng nhiên mẹ buông đũa, nói đã no không muốn ăn thêm nữa rồi đi thẳng vào phòng. Nghĩ mẹ mệt nên vợ chồng Thành cũng không làm phiền, để yên cho mẹ nghỉ. Ai ngờ, hôm sau mẹ bỗng dọn đồ đòi về quê.

Hỏi mãi mẹ mới nói: "Mày yêu vợ mày hơn mẹ. Mày gắp cho vợ miếng thịt ngon hơn miếng thịt mày gắp cho mẹ. Có con như thế thì có làm gì". Nói xong bà bỗng thút thít khóc làm vợ chồng Hạnh tròn mắt nhìn nhau. Sau một hồi năn nỉ, Hạnh cũng thuyết phục được mẹ ở lại. Đó là sự việc đầu tiên mở màn cho những ngày hờn dỗi liên tiếp của mẹ chồng Hạnh. Biết mẹ đã già, khó tính nên Hạnh và chồng bàn nhau phải làm mọi thứ theo ý mẹ và không bao giờ thể hiện tình cảm trước mặt mẹ để mẹ không tủi thân. Nhưng dù có cẩn thận thế nào thì mẹ chồng Hạnh vẫn tìm ra lỗi của vợ chồng cô để giận đỗi. Thành mua đồ gì tặng mẹ và vợ cũng bị mẹ đem ra so sánh và quy cho tội Thành yêu vợ hơn mẹ. Rút kinh nghiệm, lần sau anh chỉ mua đố cho mẹ thì mẹ lại nói, chắc chắn con trai mua quà cho cả vợ nhưng vì đẹp hơn, đắt hơn nên phải giấu giếm tặng nhau, không cho mẹ biết.

Chuyện quà tặng đã bị mẹ để ý, chuyện Thành và Hạnh nói chuyện hàng ngày mẹ cũng không bỏ qua. Nếu Thành và Hạnh nói chuyện quá thân mật và cười đùa vui vẻ thì cả ngày hôm ấy bà ra vào thở dài, mặt buồn rười rượi, thi thoảng bóng gió rằng trong nhà này, chẳng ai quan tâm đến bà, bà hệt như người vô hình, bà thấy bà tội nghiệp quá. Các con lại im lặng nhìn nhau và không biết phải phân trần với mẹ như thế nào. Sự giận đỗi của mẹ thể hiện lớn hơn khi đòi Thành dọn sang ở với mẹ. Bà bắt đầu thấy ghen tị với con dâu và hờn mát con trai vì tội yêu vợ hơn mẹ.

Muốn không khí trong gia đình hòa thuận, Thành đành chiều theo lời mẹ. Anh đã chuyển qua phòng mẹ, kê thêm một giường nữa để ngủ nhưng mẹ vẫn chưa vừa ý. Bà muốn Thành dọn hết cả quần áo của anh sang phòng bà để "mẹ thấy thực sự là con đang ở với mẹ như ngày xưa". Chiều theo ý mẹ lần nữa, Thành lại bất đắc dĩ dọn quần áo và vật dụng cá nhân sang phòng mẹ. Hạnh biết mẹ đã già nên khó tính, cô không giận dữ mà bắt đầu nghĩ cách hóa giải câu chuyện này. Thấy mẹ chủ yếu là ghen tị với những việc Thành làm cho cô nên Hạnh nghĩ, để cởi nút chuyện mẹ hờn dỗi cũng phải bắt đầu từ chuyện này. Hạnh bàn với Thành từ giờ cứ đối xử với cô tệ tệ một chút, cãi nhau cũng được và phải nịnh mẹ thật nhiều để bà không thấy khó chịu chuyện "mày yêu vợ hơn mẹ nữa".

Kế hoạch được đặt ra, hai vợ chồng Hạnh cùng phối hợp thực hiện. Bắt đầu từ hôm ấy, Thành luôn mặt nặng mày nhẹ với vợ, thậm chí anh còn không nói chuyện với vợ. Hạnh phải hỏi đến câu thứ năm, thứ sáu, Thành mới khó khăn trả lời vợ vài câu. Còn với mẹ thì Thành có thái độ trái ngược hẳn. Hễ cứ về nhà là Thành lại ríu rít trò chuyện với mẹ, anh bóp tay bóp chân cho mẹ rồi mua rất nhiều đồ ngon cho mẹ ăn. Hạnh không được phép tham gia vào câu chuyện giữa hai mẹ con anh. Cô phải đứng ngoài cuộc và chịu sự "kì thị" từ chồng. Thi thoảng, Thành còn thủ thỉ với mẹ: "Vợ thì cũng là người ngoài thôi mẹ ạ. Vì có chung dòng máu đâu. Thế nên có tốt với vợ cũng không làm gì. Mẹ nhỉ!".

Mới đầu, mẹ Thành hài lòng lắm. Bà nghĩ thầm: "Phải như thế này thì mới đúng chứ, nhưng sau dần bà lại thấy lo. Vợ chồng con bà vốn yêu thương, gần gũi nhau thì giờ lại giống như người không quen biết, ở cạnh nhau thi thoảng lắm mới nói với nhau vài câu. Tối thì Thành ngủ ở phòng bà, hai vợ chồng Thành - Hạnh thế là không có không gian và thời gian riêng để tâm sự với nhau. Con bà lại nói chỉ coi vợ như người ngoài thì làm sao được. Từ việc hờn dỗi để con trai chú ý chăm sóc và thỏa mãn khi đạt được mục đích của mình, bà lại thành ra lo lắng. Nếu sự việc đi quá xa, không khéo hai vợ chồng Thành lại bỏ nhau. Nếu thế thật thì bà biết làm thế nào? Lo lắng nên bà lại ra sức gắn hai con vào với nhau. Đầu tiên, bà đuổi Thành về phòng cũ kèm theo toàn bộ quần áo và đồ dùng với lí do: "Tối ngủ anh toàn ngáy. Tôi không tài nào ngủ được".

Tiếp đến, hễ cứ đến tầm chiều tối là bà tản bộ ra hồ chơi để Thành và Hạnh có thời gian nói chuyện với nhau. Về nhà nếu thấy hai con vẫn mặt lạnh thì bà vẫn còn lo lắng. Bà gọi riêng Hạnh ra để tâm sự và dò hỏi. Khi nhận được câu trả lời: "Anh ấy nói muốn li hôn để có thể toàn tâm toàn sức chăm sóc mẹ. Lí do như thế, quả thật con cũng không biết nên níu kéo nhà con như thế nào" từ con dâu thì bà mới lo quýnh quáng lên. Bà lập tức đòi sang nhà con út ở. Bà phải sang nhà khác ở để hai con bà làm lành với nhau. Thấy kế hoạch của mình có vẻ đã thành công, Thành và Hạnh bàn nhau sẽ làm lành từ từ để mẹ không lo lắng và cũng không đòi chuyển đi nữa, đồng thời cũng để mẹ không nghi ngờ hai vợ chồng anh đã bày trò để chữa bệnh hờn đỗi cho mẹ.

Bí mật quà đặc biệt tặng mẹ

Không hờn dỗi với con cái vì chuyện con trai yêu vợ hơn mình mà bà Hà dỗi con mình vì lý do khác. Nam, con trai bà, là một viên chức bình thường còn Lan, con dâu bà là kế toán cho một công ty tư nhân nhỏ. Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng tằn tiện thì cũng đủ cho 3 người. Vì mới kết hôn nên vợ chồng Nam vẫn chưa có ý định sinh con. Bà Hà ở nhà thường cơm nước, chợ búa giúp các con. Bà khá dễ tính nên ít khi cằn nhằn con dâu này nọ. Nhờ vậy, không khí trong gia đình nhỏ thường rất vui vẻ. Nhưng kể từ dạo bà tham gia họp lớp cũ và nghe theo các bạn cũ gia nhập câu lạc bộ người cao tuổi do các bạn tổ chức thì tính tình bà thay đổi hẳn.

Bà thường cáu gắt và đặc biệt, bà thường tìm mọi cớ để nói con dâu, thậm chí đôi khi là cả con trai nếu thấy hai con mua đồ gì mới. Trong bữa cơm, bà thường tranh phần nói và các câu chuyện bao giờ cũng là về các bạn của bà. "Bà Dương, bạn mẹ, mới được các con tổ chức sinh nhật cho ở khách sạn đắt nhất Hà Nội này. Khách sạn tên là gì mẹ không nhớ nhưng mà bà ấy cho xem ảnh thì đẹp lắm. Cái bánh kem mới to làm sao. Cả đời mẹ chưa thấy cái bánh nào đẹp như thế, to như thế. Đúng là người ta có phúc. Đẻ con khôn, đẻ con giỏi nên giờ được hưởng lộc. Chẳng như tôi..."; "Hôm nay bà Giang vừa được con mua cho một đôi giày nhảy đẹp không thể chê được. Nó vừa thời trang lại mềm mại. Chẳng như giày của mẹ, vừa xấu vừa cứng, đi cũng phát xấu hổ"...

Bà Hà còn vô vàn những câu chuyện về "các bạn của mẹ" khác để kể cho các con nghe. Mới đầu, Nam và Lan chỉ nghe cho vui rồi góp vài câu nhận xét, cả hai sẽ quên ngay sau đó và chẳng hề bận tâm đến câu chuyện mẹ kể. Họ coi đó đơn giản là chuyện phiếm mà thôi nhưng bà Hà thì không nghĩ vậy. Bà kể chuyện đó để cho các con biết rằng bà muốn được bằng bạn, bằng bè nhưng hai con không hiểu. Thế nên bà sinh ra nóng nảy, hay bực tức và thường tìm mọi cớ để chê bai các con.

Thấy mẹ đổi tính, Lan mới để ý. Từ những câu chuyện mẹ kể, Lan hiểu ra vấn đề. Nhưng gia đình mình không được bằng gia đình người ta, làm sao cô chiều theo ý mẹ được? Lan đem chuyện này nói với chồng. Chồng cô suy nghĩ rồi nói: "Cái này thì không chiều mẹ được em ạ. Anh cũng muốn nhưng điều kiện không cho phép thì đành chịu". Việc "đành chịu" của Nam khiến mẹ anh càng được đà giận dỗi. Lắm lúc tự nhiên bà lại bật khóc nói: "Không hiểu tôi sống trên đời này có ý nghĩa gì nữa", rồi bỏ bữa, không ăn uống gì cả. Bà còn không nói chuyện với cả con trai lẫn con dâu. Thấy thế, Lan bảo chồng cứ chiều mẹ một lần xem sau.

Vợ chồng Lan trích nửa số tiền lương để mua tặng mẹ một đôi giầy nhảy để bà dùng nó đi sinh hoạt ở câu lạc bộ người cao tuổi. Khỏi phải nói bà Hà vui vẻ như thế nào nhưng niềm vui đó nhanh chóng bị thay thế bởi sự tức giận. Chiều hôm ấy, hai vợ chồng Lan về nhà đã thấy mẹ cắt tung toé đôi giầy nhảy mấy triệu đồng mà vợ chồng cô phải suy nghĩ mãi mới dám mua cho. Vừa thấy con, bà Hà đã thút thít: “Mua thì mua hẳn đồ xịn. Tại sao hai đứa mua cho mẹ đồ nhái để mẹ bị người ta chê cười hả?”. Hai con ngỡ ngàng vì đôi giầy đó hai người đã vào tận chính hãng để mua tặng mẹ. Nhưng bà Hà nói bạn bà bảo đó là giày nhái hàng hiệu nên bà xấu hổ vô cùng. Bà rời buổi sinh hoạt, về đến nhà, bà lập tức dùng kéo cắt tan đôi giày "giả". Xót của, Nam nặng lời với mẹ. Mẹ anh được đà càng khóc lớn. Bà lu loa rằng Nam quý tiền hơn quý mẹ, rằng mua đồ đểu cho mẹ mà mẹ vứt đi vẫn còn tiếc đến mức ngồi quát mẹ được...

Chuyện này qua, Lan lại bàn chồng đi vay tiền mua tặng mẹ một chiếc áo mới coi như xin lỗi chuyện "vì giày nhái mà quát mẹ" của Nam. Nam chần chừ rồi cũng đồng ý với vợ. Hai vợ chồng chọn được một chiếc áo rất đẹp. Về đến nhà, Nam đã cẩn thận ngồi chỉ cho mẹ xem mác hàng hiệu và giá của cái áo để mẹ tự tin mang chiếc áo đến khoe với bạn bè. Tưởng mọi chuyện sẽ êm đẹp nhưng sự cố vẫn xảy ra. Về nhà, bà Hà hậm hực nói vợ chồng Nam mua cho bà chiếc áo lỗi mốt. Bạn bè bà nói chiếc áo đó là mốt từ năm ngoái, năm nay đã hết "hót" nên mẫu đang được giảm giá tới 50%. Xấu hổ với bạn bè, về nhà bà Hà lại trút giận lên đầu các con. Ngao ngán, Nam không nói gì và anh cũng không có gì để nói. Để mua chiếc áo đó cho mẹ, anh đã phải ứng nửa tháng lương tháng tới. Vậy mà mẹ anh không hiểu và vẫn cho rằng vợ chồng anh ki bo với bà.

Rồi bà Ha lại thao thao bất tuyệt về một sinh nhật rất hoành tráng của bạn bà được các con tổ chức cho. Vợ chồng Nam không có điều kiện tổ chức cho mẹ như vây nhưng anh và Lan cũng muốn làm điều gì đó đặc biệt cho mẹ mình. Nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng Nam cũng tìm ra được món quà đặc biệt cho mẹ. Tiệc sinh nhật hôm ấy có rất nhiều thứ bánh trái và đồ ăn ngon. Tất cả đều do Lan công phu chuẩn bị. Các bạn của bà Hà đều tấm tắc khen bà có cô con dâu đảm, làm gì cũng khéo lại nhanh nhẹn. Nghe những lời ấy, bà mừng rỡ nhưng vẫn vờ khiêm tốn nói: "Có gì đâu! Có gì đâu!". Dù mừng rỡ nhưng bà vẫn chưa hài lòng vì tiệc sinh nhật thế này thì vẫn đơn giản quá. Phải đến lúc gần cuối tiệc, bà mới nhận được sự bất ngờ từ phía hai con. Nam và Lan đã vất vả tìm mọi cách liên lạc với một ca sĩ mà bà Hà rất thích.

Hầu như những người ở lứa tuổi bà đều hâm mộ ca sĩ này. Họ thuộc lòng những bài hát của ông và giữ trong ví mình ảnh chồng và ảnh của ca sĩ này. Việc ca sĩ xuất hiện và hát tặng riêng bà Hà đã khiến bà vô cùng ngỡ ngàng và khiến tất cả bạn bè bà cảm thấy ghen tị. Khỏi phải nói, bà Hà sung sướng như thế nào. Cuối cùng bà cũng có thứ để khoe khoang với bạn bè và cảm thấy mình không thua kém bạn tí nào cả. Sau buổi sinh nhật hôm ấy, bà Hà vui vẻ hẳn. Thay cho câu chuyện “các bạn mẹ” mà bà thường kể trong các bữa cơm trước đây, giờ bà Hà luôn bắt đầu bằng chuyện các bạn ghen tị với bà như thế nào và khen ngợi hai con của bà như thế nào. Có vẻ như cơn hờn dỗi tuổi già của bà đã qua và mọi thứ lại trở về yên ả với gia đình này.

Tìm người bầu bạn cho bố

Các cụ bà dỗi con đã là một nhẽ, các cụ ông cũng không kém phần "nhõng nhẽo" khi làm mình, làm mẩy với các con. Ông Huy năm nay đã 63 tuổi, góa vợ từ lâu, lên thành phố ở với cô con gái duy nhất. Những năm trước, vì vẫn khỏe mạnh nên ông sống ở quê. Ông chỉ chịu lên thành phố khi những cơn đau ốm đến triền miên và ông không thể tự chăm sóc cho mình. Những tháng đầu ông mới lên, vợ chồng Hoa - Phong rất chịu khó về sớm chăm sóc và cơm nước cho bố. Nhưng vì hai vợ chồng đều làm kinh doanh nên công việc cực kì bận rộn, dù cố gắng hết sức, họ cũng không thể ở cạnh bố nhiều được. Mọi chuyện chăm sóc ông Huy đều do một người giúp việc đảm nhiệm. Chị giúp việc góa chồng, năm nay hơn 40 tuổi, rất nhanh nhẹn. Chị hay nói nên ông Huy ở nhà cũng có người bầu bạn, không mấy buồn bã nhưng ông vẫn trách các con đã đón bố lên mà không chăm sóc bố, để người lạ làm thay nhiệm vụ của mình.

Thể hiện bằng vẻ mặt thì các con ông không thể nhận ra vì chúng quá bận rộn. Hàng ngày chúng chỉ gặp ông một chút buổi sáng và một chút buổi tối trước khi đi ngủ nên cả hai không thể biết được bố đang rất giận và không vừa lòng với chuyện cả hai vợ chồng họ cứ đi biền biệt suốt ngày. Ông quyết định thể hiện bằng hành động. Tuyệt thực là phương án đầu tiên được ông Huy đưa ra. Khỏi phải nói, Hoa và Phong hốt hoảng thế nào. Mới đầu, anh chị tưởng bố khó ở trong người nên tức tốc mời bác sĩ nhưng bác sĩ không khám ra bệnh. Họ chuyển qua mời bác sĩ tâm lý. Bác sĩ tâm lý đoán ra tâm bệnh nói anh chị phải chú ý dành nhiều thời gian cho ông cụ. Quả thật, chỉ vài buổi tối, Hoa và Phong về nhà ăn tối cùng bố, ông Huy đã khỏe mạnh ra hẳn. Ông vui vẻ nói cười cả ngày nhưng chuyện này chỉ diễn ra trong đúng một tuần lễ vì công việc nhiều, Hoa – Phong không thể cứ ở nhà với bố mãi được. Ông Huy lại tiếp tục dỗi.

Lần này, để phục vụ cho sự dỗi của mình, ông vẫn tuyệt thực cộng thêm việc gọi điện đi khắp nơi kể lể nỗi khổ của mình. Hoa nhận được những cuộc điện thoại trách móc từ dưới quê của họ hàng, nói ông Huy đã bỏ ra bao nhiêu công sức để nuôi dưỡng cô vậy mà giờ sao cô dám đối xử tệ với chính bố của mình. Hoa điếng người. Cô quả thật không biết phải làm sao cho bố hiểu cho công việc của mình để ông thông cảm và thôi không hờn dỗi chuyện cô và chồng không có nhiều thời gian dành cho ông. Một vài lần Hoa để ý thấy bố và chị giúp việc nhà mình nói chuyện có vẻ rất hợp ý nhau. Bỗng dưng cô nghĩ ra chuyện mai mối cho bố mình và chị giúp việc. Các cụ đã dạy: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, cô có chăm bố mình kĩ càng thế nào thì cũng không thể bằng “bà” chăm cho bố cô được.

Hoa mang chuyện này bàn với chồng mình, Phong đồng ý. Anh cho đó là ý kiến hay và hợp lý vì bố vợ anh đã goá vợ hơn 10 năm nay, chị giúp việc thì goá chồng. Tuy tuổi tác có phần cách xa nhau nhưng điều đó có hề gì nếu cả hai người cùng đồng ý cho việc tác hợp này. Nói là làm, Hoa vừa dò hỏi ý bố mình, vừa dò hỏi ý chị giúp việc. Mới đầu, ông Huy nghe chuyện thì giãy nảy, nói Hoa nói chuyện không nghiêm túc, rằng ông đã ở tuổi này, ai còn đi tái hôn nữa để cho thiên hạ cười cho. Chị giúp việc thì phản ứng ngược lại. Chị đồng ý và chị vui vì điều đó. Ông Huy sau vài lần xấu hổ chống chế thì cũng đồng ý với sự sắp xếp của con mình. Đám cưới nhỏ được tổ chức. Ông Huy và chị giúp việc trở thành vợ chồng. Giờ họ vẫn sống với vợ chồng Hoa, cuộc hôn nhân mới của bố cô rất hạnh phúc. Ông vui vẻ cả ngày và chuyện hờn dỗi trước kia biến mất hẳn, hệt như nó chưa từng có.