Cách ăn chay đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng, phòng ngừa bệnh tật

ANTD.VN - Không phải ai cũng hiểu được chế độ ăn chay đầy đủ và cân bằng về dinh dưỡng. Trên thực tế, đa số mọi người có chế độ ăn chay không đủ dinh dưỡng, dẫn tới thiếu chất hoặc thừa chất, không những làm cho cơ thể mệt mỏi, uể oải mà còn gây nguy cơ bệnh tật. 

Cách ăn chay đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng, phòng ngừa bệnh tật ảnh 1

Bạn chỉ chuyển sang chế độ ăn chay khi thực sự hiểu biết để tránh tác động không tốt lên sức khỏe

Cân bằng dinh dưỡng

Khi ăn chay cần biết kết hợp các loại thực phẩm giàu protein trong các bữa ăn. Mỗi loại đồ ăn thực vật bản thân chúng không thể cung cấp đủ axít amin mà cơ thể đòi hỏi. Vì vậy, cần phải kết hợp chúng với nhau để đảm bảo cơ thể được bổ sung đầy đủ lượng axít amin cần thiết. Ngoài đạm, cần bổ sung đầy đủ chất tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất… Chúng ta hoàn toàn có thể khỏe mạnh mà không cần phải ăn thịt. 

Một chế độ ăn chay khỏe mạnh phải cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho cơ thể. Nếu vì một lý do nào đấy mà chế độ ăn không cung cấp đủ chất dinh dưỡng, hoặc cảm thấy mệt mỏi, có thể hỏi ý kiến tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng để dùng thêm một số          vitamin hỗn hợp. Nhưng tuyệt đối không dùng chúng thay thế cho các bữa ăn.

Khi nào nên chuyển sang chế độ ăn chay?

Các chuyên gia khuyến cáo, bạn chỉ nên chuyển sang chế độ ăn chay khi thực sự hiểu biết để tránh tác động lên sức khỏe. Bạn cần một kế hoạch ăn chay nghiêm túc, hợp lý và khoa học. Bạn nên chuyển chế độ ăn một cách từ từ, giảm thịt dần dần, có thể tiến đến ăn chay trường. 

Mặc dù vậy, chế độ ăn chay cũng có hạn chế, đặc biệt là ăn chay trường, vì ăn chay thực phẩm chủ yếu dựa vào ngũ cốc, rau quả, củ và các loại hạt nên thường bị thiếu một số chất khoáng như sắt, kẽm, canxi, vitamin B12... dễ có nguy cơ thiếu máu. Vì vậy, người ăn chay cần bổ sung thêm các chất đó để bù đắp sự thiếu hụt của thực phẩm.

Người cao tuổi có mắc bệnh mãn tính nào đó cũng không nên ăn chay trường  mà chỉ nên ăn 1-2 tuần trong tháng hoặc mỗi tuần 2 ngày cho cơ thể nhẹ nhàng. Người già cần một số chất dinh dưỡng từ thức ăn nguồn động vật để duy trì sức khỏe. Do người già thường khó hấp thụ dưỡng chất, ăn chay trường không phải là liệu pháp an toàn cho sức khỏe. Người cao tuổi nên sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai để cung cấp đủ lượng chất đạm, canxi cần thiết cho cơ thể. Người trưởng thành, thanh niên, trung niên cũng không nên quá lạm dụng ăn chay. Ăn chay nhưng vẫn cần đảm bảo đủ năng lượng để làm việc, không để tình trạng cơ thể thiếu chất dẫn tới suy kiệt sức khỏe.

Ăn chay có ngăn ngừa ung thư?

Chế độ ăn thịt có hàm lượng chất dinh dưỡng cao như protein, sắt, khoáng chất... rất cần thiết cho sức khoẻ. Trong khi đó, chế độ ăn hoàn toàn dựa vào thực vật thường có hàm lượng đạm thấp và nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất. Gần đây, đã có một cuộc tranh luận đang diễn ra trong lĩnh vực khoa học y tế, trong đó đặt câu hỏi liệu một chế độ ăn uống hoàn toàn dựa vào thực vật có thể ngăn ngừa hoặc thậm chí điều trị ung thư.

Một nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Cornell cho thấy chế độ ăn đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị ung thư. Chế độ ăn chủ yếu dựa vào thịt có thể làm tăng sự phát triển và sự tăng trưởng của các tế bào ung thư vì một số loại thịt có thể chứa nhiều hormone và enzyme có hại cho cơ thể người. Ngược lại, chế độ ăn uống dựa vào thực vật có nhiều chất chống oxy hoá và chất xơ có thể phá huỷ các tế bào ung thư một cách hiệu quả. Kết luận của các nhà nghiên cứu cho rằng, chế độ ăn chay có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa ung thư.

Các nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức giải thích điều này là bởi vì hệ thống miễn dịch của người ăn chay có hiệu quả hơn trong việc giết chết tế bào khối u so với người ăn thịt. Những chế độ ăn này cung cấp nhiều yếu tố bảo vệ trước nguy cơ ung thư như: sulforaphane (có nhiều trong rau họ cải, đặc biệt là bông cải xanh), selenium (có nhiều trong lúa mì, ngô, bắp cải, đậu hà lan, cà rốt, củ cải, cà chua, tỏi, các loại nấm…), chất diệp lục, và các chất chống oxy hoá như vitamin C, vitamin E,    alpha-carotene, beta-carotene, lycopene, lutein, cryptoxanthin…