Các "ông lớn" giảm giá thịt lợn sau yêu cầu của Bộ trưởng NN&PTNT: "Làm phép" sau khi đã thu siêu lợi nhuận?

ANTD.VN - Nhiều tháng ròng rã, người tiêu dùng phải “cắn răng” ăn thịt lợn với giá trên trời dù thị trường không quá khan hiếm thịt lợn như lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định.

Bất ngờ hơn, sau nhiều tháng lãi “khủng”, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, nắm quyền chi phối thị trường thịt lợn như Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, Tập đoàn Dabaco Việt Nam… đồng loạt cho biết, có thể giảm giá thịt lợn hơi xuất chuồng xuống mức 75.000 đồng/kg theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Doanh nghiệp chăn nuôi lợn lãi khủng

Cụ thể, sáng 17/2, giá lợn hơi Công ty C.P bán ra là 75.000 đồng/kg với lợn 3 máu loại tốt và 73.000 đồng/kg với lợn đực 2 máu. Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam đang bán lợn hơi ở mức 73.000-79.000 đồng/kg, bình quân đạt 75.000 đồng/kg. Sau khi các "ông lớn" cam kết giảm giá thịt lợn hơi thì thị trường cũng bắt đầu giảm, dù khá chậm.

Nhìn lại, thị trường thịt lợn bắt đầu dội sóng từ tháng 9/2019 và bắt đầu vượt mức 50.000 đồng/kg lợn hơi. Từ đó đến khoảng tháng 1/2020, giá thịt lợn hơi đã lập "đỉnh" khi lợn hơi trong dân chạm mốc 93.000-95.000 đồng/kg, còn giá mà các Công ty lớn như C.P hay Dabaco xuất ra cũng ở mức 85.000 đồng/kg. Từ đầu tháng 2/2020 đến nay, giá lợn hơi có xu hướng giảm nhẹ và hiện ở mức 75.000 đồng/kg tại các doanh nghiệp lớn, còn trên thị trường vẫn ở mức 80.000 đồng/kg.

Như vậy, giá lợn hơi đã neo ở mức cao đến nay gần 5 tháng. Các “ông lớn” chăn nuôi trong khoảng thời gian này đã thu lãi khổng lồ.

Nhiều tháng ròng, giá thịt lợn bị neo ở mức cao

Tính toán của các Hiệp hội chăn nuôi cho thấy, giá thành lợn khi chưa dịch có dịch tả vào khoảng 35.000 - 41.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau khi vướng dịch tả lợn châu Phi, chi phí chăn nuôi tăng hơn, nên giá thành lợn xuất chuồng từ 40.000 - 45.000 đồng/kg.

Tại một cuộc họp do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì vào chiều tối 19/11/2019 về việc bình ổn giá thịt lợn, ông Cường cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã khiến đàn lợn cả nước giảm 8%, tuy nhiên không khan thiếu thịt.

Cũng tại cuộc họp này, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công  ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam thông tin, mỗi ngày C.P xuất chuồng khoảng 16.000-17.000 con lợn và giá tại thời điểm này ở mức 68.000 đồng/kg lợn hơi. Với mức giá này, ông Anh Tuấn cũng cho rằng, hơi cao.

Còn Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dabao Việt Nam Nguyễn Như So cho biết, Dabaco và C.P thường xuyên trao đổi với nhau về tình hình xuất chuồng cũng như giá cả. Sau cuộc họp “bình ổn giá” này của Bộ NN&PTNT, giá lợn vẫn tăng phi mã đến gần hết tháng 1/2020 mới dừng và chậm chạp đi xuống.

Bộ NN&PTNT nhiều lần khẳng định, dịch tả châu Phi khiến lượng đầu lợn trong dân không còn nhiều, giảm mạnh các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đàn lợn chỉ tập trung ở các trang trại chăn nuôi, các nông hộ nuôi lớn.

Vậy, ai là người đã khiến giá lợn neo cao suốt những tháng vừa qua? Ai là người “hốt bạc” còn người dân phải cắn răng mua thịt lợn với giá cao ngất? Liệu Cục Chăn nuôi và Bộ NN&PTNT có câu trả lời cho các vấn đề này?

Báo cáo năm 2019 của Dabaco cho thấy, lợi nhuận của Tập đoàn này 9 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 47 tỷ đồng, giảm 81% và mới hoàn thành 15% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, giá thịt lợn bất ngờ tăng vào cuối năm giúp công ty lãi lớn 258 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Kết quả này giúp doanh nghiệp lãi 305 tỷ đồng và hoàn thành 85% kế hoạch năm.

Năm 2020, HĐQT Dabaco thông qua kế hoạch gồm tổng doanh thu (bao gồm cả nội bộ) 13.203 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 457 tỷ đồng, trong đó 405 tỷ đồng lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh chính và 52 tỷ từ lĩnh vực khác. Kế hoạch lợi nhuận 2020 tăng khoảng 50% so với kết quả năm 2019 do kỳ vọng vào sự phục hồi ổn định của ngành chăn nuôi và sự đóng góp của các dự án mới đi vào hoạt động.

Lo ngại thị trường bị vài "ông lớn" kiểm soát

Nhìn nhận về sự bất thường của thị trường thịt lợn cũng như động thái khác lạ của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn thời gian qua, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, sự việc các doanh nghiệp như C.P, Dabaco lập tức giảm giá lợn hơi xuất chuồng về mức 75.000 đồng/kg ngay sau mệnh lệnh hành chính của tư lệnh ngành nông nghiệp là khá “hài hước”.

“Trong khi đầu vào không có nhiều biến động mà lại giảm giá đầu ra ngay theo khuyến nghị của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thì cần phải xem xét lại. Thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán 2020, các doanh nghiệp chăn nuôi lợn đã đạt mức siêu lợi nhuận thì nay có thể họ giảm bớt để lấy uy tín với Bộ trưởng”- ông Doanh bình luận; đồng thời cho biết thêm, có thể một yếu tố nữa khiến các doanh nghiệp chăn nuôi giảm giá là sức tiêu thụ thịt lợn của người dân sau Tết Nguyên đán thấp. Một là do người dân chuyển qua các loại thực phẩm khác, hai là do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đáng nói, giá lợn hơi của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như Dabaco, C.P hay Japfa, luôn có sự đồng hành, nhìn nhau để tăng hay giảm giá. Về tình huống này, ông Doanh đặt vấn đề, có hay không sự “bắt tay” giữa các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để làm giá thịt lợn?

“Bộ NN&PTNT cần xem xét, tỷ trọng lợn của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chiếm bao nhiêu phần trăm, nếu chiếm tỷ lệ lớn thì rõ ràng họ điều khiển được thị trường. Và như vậy, hiển hiện nguy cơ thị trường thịt lợn bị các “ông lớn” kiểm soát, đây là điều rất đáng lo ngại”- chuyên gia Lê Đăng Doanh bày tỏ.

Không chỉ lo ngại việc bắt tay làm giá, điều khiển thị trường thịt lợn, các chuyên gia đều cho rằng, các doanh nghiệp chăn nuôi đều  được hưởng sự ưu đãi về chính sách từ Chính phủ và Bộ NN&PTNT nhưng lại vô trách nhiệm trong việc bình ổn thị trường thịt lợn thời gian qua, thậm chí có dấu hiệu “đục nước béo cò” và chỉ chịu xuống nước khi cơ quan quản lý đưa ra "tối hậu thư". Vì thế, Bộ NN&PTNT cũng như các bộ, ngành cần xem xét thị trường thịt lợn lại sau “cơn bão giá” vừa qua, không thể để tình trạng một vài "ông lớn" nào đó có thể thao túng thị trường...