Các khoản phụ cấp nào phải đóng bảo hiểm xã hội?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các khoản phụ cấp nào mà trên hợp đồng lao động có thỏa thuận xác định cụ thể mức tiền và được trả thường xuyên thì thuộc khoản phải đóng bảo hiểm xã hội.
Những khoản phụ cấp được ghi trên hợp đồng lao động thì sẽ đóng bảo hiểm xã hội
Những khoản phụ cấp được ghi trên hợp đồng lao động thì sẽ đóng bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, cơ quan này nhận được phản ánh của người lao động (tại TP.HCM), về trường hợp đang làm việc tại công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, ngoài lương ra, tổ trưởng tổ nghiệp vụ còn được hưởng phụ cấp không quá 5% so với mức lương cơ bản. Vậy khoản phụ cấp này có phải đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng không?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, từ ngày 1/1/2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

Nội dung này thực hiện theo căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc; Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động quy định tại Thông tư số 10/2020/TTBLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con.

Cụ thể, mức lương theo công việc hoặc chức danh: Ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động.

Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán, thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động, mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như: Thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ.

Các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị doanh nghiệp của người lao động đối chiếu quy định nêu trên để xác định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo đúng quy định.