Các bước cúng ông Công, ông Táo chuẩn nhất

ANTD.VN -Một vài gợi ý dưới đây sẽ đưa đến bạn đọc các thông tin hữu ích để cúng ông Công ông Táo đúng theo quan niệm truyền thống và tránh vấp phải những điều kiêng kỵ. 

Cúng trước giờ Ngọ

Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, nhà nhà lại làm mâm cúng ông Công ông Táo. Theo quan niệm dân gian, ông Công là vị thần cai quản đất đai, còn Táo Quân (gồm 2 ông, 1 bà) là những vị thần cai quản việc bếp núc trong nhà. Các vị thần linh này có quyền năng rất lớn, ngăn cản ma quỷ xâm phạm vào thổ cư, giúp mọi người trong gia đình được bình an, định đoạt chuyện may rủi, phước họa của gia chủ theo những việc làm đúng đạo lý của mọi người trong nhà.

Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Do vậy, hầu hết các gia đình Việt đều nhớ ngày này để làm mâm cúng tiễn Táo Quân. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, giờ cúng nào thì tốt và gia chủ nên bày biện mâm cúng ra sao. Theo các chuyên gia phong thủy, các gia đình nên cúng Táo Quân trước giờ Ngọ (11h trưa đến 1h chiều) ngày 23 tháng Chạp. Bởi nếu qua Ngọ mới cúng thì sẽ không còn giá trị tâm linh vì lúc đó cá đã bay lên chầu trời.

Lễ vật cúng ông Công ông Táo

Lễ vật cúng ông Công ông Táo truyền thống gồm có ba chiếc mũ: hai mũ của Táo ông và một mũ của Táo bà. Màu sắc của mũ, áo thay đổi hàng năm theo ngũ hành.  

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo không cần cầu kỳ nhưng lại cần sự trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc nhà mình như đĩa gạo, đĩa muối, lọ hoa, bát canh mọc, thịt luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng, cá chép sống…

Ngày làm lễ cúng ông Công ông Táo là để tiễn các vị thần về chầu trời, tâu với Ngọc Hoàng những chuyện tốt – xấu của gia đình trong năm vừa qua chứ không nói gì đến vấn đề tài lộc, tiền bạc. Theo các chuyên gia phong thủy, các gia đình chỉ nên khấn và cầu xin Táo Quân báo cáo điều tốt, không nói điều xấu với thiên đình.

Thả cá chép đúng cách

Phóng sinh là nét đẹp trong văn hóa Việt Nam nói chung và của Phật giáo nói riêng. Để tiễn ông Công ông Táo về chầu trời, ở miền Bắc người dân còn cúng cá chép sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa rồng" đưa ông Táo về trời. Cá chép sẽ được phóng sinh (thả ra ao, hồ, sông) sau khi cúng.

Tuy nhiên, đã có nhiều người phóng sinh sai cách: phóng sinh bằng cách đổ, ném, quăng cá, hoặc ném luôn cả túi chứa nước và cá xuống ao hồ... Đây là thiếu ý thức, không phải phóng sinh cá, mà còn là giết cá, làm ô nhiễm môi trường, sai ý nghĩa, chuẩn mực với phong tục cổ truyền thiêng liêng của dân tộc.

Thả cá chép sai cách sẽ không tỏ được lòng thành kính trọn vẹn, làm mất ý nghĩa tâm linh, còn thể hiện thái độ bất kính, còn kéo theo những hệ lụy môi trường bức xúc cho xã hội và làm mất nét đẹp của việc phóng sinh.

Do vậy, việc phóng sinh đúng cách chính là thả cá về môi trường tự nhiên nhưng vẫn giữ được môi trường sạch, đẹp.