Không chỉ gia đình nạn nhân, nhân viên bệnh viện mà dường như cả Hà Nội nín thở ngóng chờ thông tin cháu bé. Chiều 8-11, cả Hà Nội đổ dồn về Bệnh viện Phụ sản Trung ương khi có thông tin Công an TP Hà Nội đã tìm đưa cháu trở về. Chưa bao giờ Bệnh viện Phụ sản Trung ương lại nóng lòng đến như vậy.
Từ lãnh đạo bệnh viện cho đến các nhân viên đều tràn xuống sân để đón cháu Phạm Xuân Trường trở về sau 5 ngày mất tích. Đường Triệu Quốc Đạt trước cổng bệnh viện tắc nghẽn. Người ta xôn xao bàn. Ngay đến một người bán hàng rong cũng quẳng cả gánh hàng bán dở chạy thốc vào bệnh viện để cố xem mặt mũi thằng bé thế nào. Có cảm giác như ai cũng coi việc cháu bé bị bắt cóc là việc nhà mình, là con cái ruột thịt nhà mình. Tin Công an TP Hà Nội đã tìm được cháu bé trao lại cho bệnh viện và gia đình đã làm nức lòng người dân Hà Nội. Khi chiếc xe chở cháu Phạm Xuân Trường tiến vào sân bệnh viện thì tiếng vỗ tay vang dậy. Cháu đã trở về khỏe mạnh trước sự chứng kiến của tất cả mọi người và trong sự xúc động đến ngất đi của người mẹ.
Tột cùng của hạnh phúc đó là tâm trạng của vợ chồng anh Triều chị Thơm và gia đình cháu bé. Anh Phạm Xuân Ấn, bác ruột của cháu Trường cho biết, gia đình anh hoang mang suốt mấy ngày hôm nay, hôm nào hàng xóm cũng đến chật nhà hỏi thăm tình hình cháu thế nào. Hàng xóm càng hỏi lại càng sốt ruột đau lòng. Cháu còn quá nhỏ không biết manh mối đâu mà tìm, nhiều người còn chưa được nhìn mặt cháu, đến bố cháu cũng chỉ mới được ôm con có một lúc. Anh Ấn cho biết chồng chị Thơm kết hôn muộn, đã có một cháu gái 7 tuổi, phải khó khăn lắm, chữa trị mãi chị Thơm mới sinh được cháu Trường, không may lại xảy ra chuyện đau lòng như vậy. “Thương em mà chả biết làm thế nào chỉ biết trông chờ vào các anh công an. Hôm nay nghe được tin báo đi lên đón cháu, tôi mừng quá, phóng vội xe máy lên đây, còn đi nhầm cả dép”.
Chị Vui, chị gái của anh Triều là người biết tin muộn nhất, cuối ngày mới lên được đến nơi, chị cười mà nước mắt dàn dụa, nói líu hết cả lưỡi: “Tôi mừng quá, vui tột độ, hạnh phúc tột độ rồi, tôi không biết phải nói thế nào, ngàn lời ngàn lời cho cả họ nhà tôi cảm ơn các anh công an. Chúng tôi vừa mới từ trên cao rơi xuống vực sâu, bây giờ lại được từ vực sâu lên trên cao. Suốt mấy đêm tôi thức trắng không sao ngủ được, lúc nào cũng chập chờn nghĩ đến thằng bé không biết nó có khóc không, có được cho ăn cho uống, bú mớm thế nào, nó còn đỏ hỏn thế làm sao mà chịu được. Lại không biết mấy cái người bắt nó đi thế nào, nó có giết hại nó không, lo thắt ruột mà không biết sao. Bây giờ thì vui quá rồi, bà con đang đến chật nhà để hỏi thăm cháu”.
Còn chị Dịu là em út trong nhà chị Thơm, người đã trông nom chị Thơm những ngày ở bệnh viện thì cho biết đêm nằm bên cạnh chị Thơm thỉnh thoảng chị lại khóc nấc lên hỏi con, thẫn thờ như người mất hồn –“Động viên chị vậy thôi nhưng cứ nghĩ đến cháu mà ruột xoắn lại không khóc được. Cho đến khi có tin cháu trở về thì chị đã khóc như chưa bao giờ được khóc”. Chỉ có nước mắt và lo lắng. Người này động viên người kia phấp phỏng chờ tin cháu bé trở về. 5 ngày cháu bé mất tích là 5 đêm trắng đối với những người thân của cháu.
Và các bác sỹ, y tá của Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong những ngày vừa qua cũng là những ngày không ngủ đối với họ. Trong giây phút Công an TP Hà Nội trao trả cháu bé trở về, không chỉ có những giọt nước mắt của gia đình nạn nhân mà có rất nhiều người mặc áo blouse trắng đã khóc nghẹn. Họ khóc vì những áp lực đè nặng lên vai. Dồn nén, bức bách, không thể thanh minh được bất cứ điều gì nếu như cháu bé không trở về. 5 ngày trôi qua với họ là những ngày dài đằng đẵng. Lúc khóc lúc cười. Cười ra nước mắt. Bác sỹ Trần Thị Tuyết Lan, Trưởng khoa sản 2 - nơi cháu Trường bị bắt đi vừa khóc vừa tâm sự: “Phải nói thật là, suốt mấy đêm vừa rồi tôi không thể nào ngủ được. Tôi đã khấn gia tiên tại nhà mong sao tìm được cháu về. Nếu trời phật phù hộ tìm được cháu thì cho dù Giám đốc bệnh viện có kỷ luật, đuổi việc tôi cũng chấp nhận”.
Cũng trong ngày đón cháu bé trở về, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Nguyễn Viết Tiến - người đã đứng lên chịu trách nhiệm về phía bệnh viện sau khi cháu bé bị bắt cóc đã trở thành tâm điểm của báo chí. Nhiều phóng viên đã hỏi ông về việc đảm bảo an ninh trong bệnh viện, về trách nhiệm của bệnh viện… Song cũng có nhiều người hỏi ông: “Những ngày qua với ông như thế nào?”. Ông trả lời rằng đó là những ngày buồn, áp lực, trách nhiệm đè nặng lên vai và chúng tôi đã bị dồn đến chân tường”. Tôi thì nghĩ rằng những ngày qua cũng là những đêm trắng đối với người đứng đầu bệnh viện này.
Còn đối với Ban Chuyên án, Công an TP Hà Nội thì sao, những đêm trắng với các chiến sỹ công an đã là chuyện quá đỗi bình thường. Một vụ án mịt mờ không manh mối, biết bao đầu mối phải xác minh rà soát. Hơn 70 trinh sát đã tỏa đi các mũi xác minh quyết tìm bằng được đối tượng trong thời gian nhanh nhất. Họ đã làm việc bằng tinh thần trách nhiệm của những chiến sỹ công an và bằng cả tấm lòng của người cha người mẹ đi tìm con. Thượng tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự nói rằng anh làm án với một suy nghĩ rất đơn giản: “Cứ đặt mình vào địa vị của nạn nhân. Và ở vụ án này cũng vậy, nếu đặt mình vào vị trí của mẹ cháu bé thì mới thấy hết sự xót xa và nỗi đau mất mát. Chúng tôi cũng đều đã có con, dù không ai nói ra nhưng tất cả các trinh sát đều nhận thức trách nhiệm là rất lớn và chung một suy nghĩ phải quyết tâm phá án bằng mọi giá. Vụ án đã làm cho cả lực lượng điều tra cảm thấy xúc động, chính vì lẽ đó mà các trinh sát không quản ngại ngày đêm lăn lộn xác minh rất kỹ các thông tin liên quan để nhanh chóng tìm ra đối tượng. Và đến khi cháu bé trở về trong vòng tay mẹ thì ngay các trinh sát cũng có cảm giác vỡ òa vì cảm động sau chuỗi ngày dài nghẹt thở, vui cứ như là đón con mình trở về”.
Trong giây phút trao lại cháu bé tại bệnh viện, có một khoảng lặng mà chúng tôi được chứng kiến đó là hình ảnh Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Viết Tiến vòng tay ôm thật chặt Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội. Đó không phải là cách thức xã giao mà đó là sự chia sẻ. Sau đó, Giám đốc Nguyễn Viết Tiến đã nói: “Hàng ngày chúng ta vẫn nói với nhau rằng công việc của những chiến sỹ công an là công việc thầm lặng nhưng không hiểu hết tận cùng của từ đó. Nhưng khi chính tôi là người trong cuộc, người trực tiếp chứng kiến công việc của các anh, tôi mới thấy: đúng là thầm lặng thật!”.