Buôn lậu ma túy, vũ khí thường "chọn" đường hàng không

ANTĐ - Thông tin về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, tại các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, tài liệu cấm, sản phẩm của động vật hoang dã và các loại hàng hóa có giá trị, có thuế xuất thuế tiêu thụ đặc biệt cao là rất đáng chú ý.

Buôn lậu ma túy, vũ khí thường "chọn" đường hàng không ảnh 1Buôn lậu ma túy, vũ khí diễn biến phức tạp tại các cửa khẩu hàng không và bưu điện quốc tế


Khởi tố hơn 1.000 vụ án hình sự

Ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, kiêm Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, 10 tháng đầu năm 2015, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 168.939 vụ việc vi phạm (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái).

Số thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 10.120,6 tỷ đồng (tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2014), khởi tố 1.066 vụ án hình sự.

Một số vụ việc điển hình như vụ vận chuyển trái phép 94 khẩu súng ngắn quân sự, 472 hộp tiêp đạn, 21 chi tiết là bộ phận phụ trợ của vũ khí quân sự; vụ buôn lậu 142 kg sừng tê giác, 4 tần vẩy tê giác và khoảng 3,8 tấn ngà voi; vụ buôn lậu hàng nghìn tấn hàng hoá là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các mặt hàng cấm là đồ điện tử, thiết bị y tế đã qua sử dụng...

Trong 10 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến và địa bàn cả nước tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi. 

“Đặc biệt, trong quý III năm 2015, các vụ việc vi phạm ngày càng gia tăng, hành vi thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu tinh vi, mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn”, ông Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh.

Các đối tượng này hoạt động thành các đường dây để buôn lậu, vận chuyển trái phép và Việt Nam các loại hàng cấm, hàng có thuế xuất thuế tiêu thụ đặc biệt cao, hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép quản lý chuyên ngành, hàng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. 

Tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung nổi lên là hoạt động buôn lậu ma túy, thuốc nổ, pháo, công cụ hỗ trợ, đồ chơi bạo lực, thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, gia cầm, sản phẩm gia cầm, nội tạng, thịt động vật….

Tuyến biên giới Nam miền Trung và Tây Nguyên là hoạt động buôn lậu gỗ, động vật, thực vật hoang dã. Tuyến biên giới Tây Nam là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, đường cát.

Trên các vùng biển Đông Bắc, miền Trung và vùng biển Tây Nam nổi lên là tình trạng buôn lậu xăng dầu, than, quặng, gỗ, thuốc lá điếu… Tại các cảng biển quốc tế là hoạt động buôn lậu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các mặt hàng cấm là sản phẩm của động vật hoang dã, đồ điện tử, điện lạnh, thiết bị y tế cũ đã qua sử dụng.

Tại các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế đáng chú ý là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, tài liệu cấm, sản phẩm của động vật hoang dã và các loại hàng hóa có giá trị, có thuế xuất thuế tiêu thụ đặc biệt cao.

 

Đe dọa cả lợi ích quốc gia

 

Đại diện Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, trong nội địa, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Cẩn, đã xuất hiện nhóm về gian lận thương mại có dấu hiệu ảnh hưởng tới an ninh kinh tế, lợi ích quốc gia. Lợi dụng các Hiệp định song phương và đa phương Việt Nam đã ký kết, đối tượng nước ngoài cấu kết với trong nước đưa hàng hóa thành phẩm vào Việt Nam nhưng khi khai báo hải quan lại là nguyên liệu để được cấp giấy chứng nhận CO, xuất đi các nước có ưu đãi thuế quan. 

Ông Nguyễn Văn Cẩn dẫn chứng, ví dụ, vụ gian lận, cố tình khai báo sai tên hàng nhập khẩu của Công ty TNHH Công nghiệp Gốm sứ Dian – Ya (tỉnh Đồng Nai). Công ty này nhập khẩu vào Việt Nam đá xẻ đã được đánh bóng sau đó lại xuất khẩu nhưng kê khai đá khối.

"Đây là hình thức gian lận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan nếu Việt Nam không phát hiện, các nước nhập khẩu sẽ có ý kiến và trừng phạt hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam gây tổn hại đến lợi ích quốc gia”, ông Cẩn cho biết.

Bên cạnh đó, đáng báo động nhất là hiện tượng sản xuất phân bón giả và thuốc bảo vệ thực vật. Việt Nam là nước nông nghiệp, có gần 1.000 doanh nghiệp sản xuất và khoảng 16.000 cơ sở kinh doanh phân bón. Tuy nhiên, lực lượng chức năng mới chỉ kiểm tra xử lý khoảng 3.000 vụ và kiến nghị xem xét khởi tố hình sự 11 vụ liên quan đến mặt hàng này. 

“Điều này cho thấy, việc kiểm soát mặt hàng phân bón còn nhiều hạn chế. Chúng tôi cũng nhận thấy điều này và đang có các hoạt động tăng cường kiểm tra, kiểm soát”- ông Cẩn nói.

Phóng viên ANTĐ đặt câu hỏi liên quan đến vụ nhập khẩu 70 tấn dược liệu qua cửa khẩu Lạng Sơn, doanh nghiệp Sơn Lâm cho rằng khi nhập phải thông qua một doanh nghiệp bao thầu, thông tin có chính xác hay không? Ông Nguyễn Văn Cẩn khẳng định, Cục điều tra chống buôn lậu đã chủ trì phối hợp Hải quan Lạng Sơn kiểm tra một số lô hàng nhập khẩu qua cửa khẩu và xác minh, giám định dấu hiệu vi phạm.

“Về góc độ hải quan, hiện chưa xác định dấu hiệu hải quan cửa khẩu móc nối, bao che cho số hàng dược liệu thông quan trái quy định. Nếu phóng viên hoặc nhân dân quần chúng có thông tin cụ thể cung cấp cho chúng tôi qua đường dây nóng của Tổng cục Hải quan, chúng tôi sẽ xử lý”, ông Cẩn nhấn mạnh.