Bước đột phá với chuột nghiệp vụ

ANTĐ - Cảnh sát Hà Lan đang huấn luyện đội chuột nghiệp vụ để sử dụng trong điều tra các vụ án liên quan đến ma túy và thuốc súng. Không những cho kết quả nhanh và ít tốn kém hơn so với phòng thí nghiệm truyền thống, chúng còn rất chính xác.

Chuột giúp cảnh sát phát hiện ma tuý và thuốc súng

Chính xác đến kinh ngạc

Không phải là một cỗ máy, nhưng độ phát hiện chính xác của “Derrick” thì thật đáng kinh ngạc, với tỷ lệ lên tới 98%. Đây là con chuột xuất sắc nhất trong số 5 thành viên của đội chuột nghiệp vụ đang được huấn luyện tại trung tâm huấn luyện động vật nghiệp vụ của cảnh sát Hà Lan ở Rotterdam nhằm phát hiện ma túy, thuốc súng hoặc dấu vết của các chất khác bám trên người.

“Derrick” được đặt theo tên thám tử Stephan Derrick, nhân vật chính trong loạt phim truyền hình nổi tiếng của Đức được sản xuất trong khoảng thời gian từ 1974-1998 và cũng được khán giả Hà Lan yêu thích. 4 “bạn cùng lớp” khác của “Derrick” cũng được đặt theo tên của các thám tử hư cấu nổi tiếng gồm Magnum, Poirot, Thomson và Thompson trong bộ phim “Những cuộc phiêu lưu của Tin Tin”.

Người huấn luyện nghiệp vụ cho chúng là nữ cảnh sát Monique Hamerslag. Cô đặt “Derrick” vào một chiếc lồng bên trong có treo 4 chiếc túi nhỏ. Một trong số túi đó có chứa alpha-phenylacetoacetonitrile, một tiền chất của methamphetamine (một loại ma túy tổng hợp), và nhiệm vụ của “Derrick” là xác định chiếc túi có chứa chất gây nghiện trên. Kết quả là “Derrick” đã phát hiện đúng. Mỗi lần như vậy, những con chuột sẽ được người huấn luyện thưởng cho một hạt hướng dương. 

Tiết kiệm chi phí huấn luyện

Ý tưởng huấn luyện chuột nghiệp vụ được Hamerslag nảy ra cách đây khoảng hai năm khi bà viết luận văn về các loài động vật sử dụng tại hiện trường vụ án và trong các cuộc điều tra của cảnh sát. Qua đó, bà biết được thông tin về việc người ta đã dùng chuột để đánh hơi bãi mìn ở Tanzania. Theo Hamerslag, do có khả năng cảm nhận mùi rất tốt nên tỷ lệ thành công ở những con chuột được huấn luyện trung bình là 95%. 

Đánh hơi được thuốc súng là một khả năng hữu ích khác của chuột và chó nghiệp vụ trong công tác điều tra, nhất là đối với những nghi phạm có hành vi xả súng. Mỗi con chuột có giá khoảng 8 bảng Anh (13USD) có thể được huấn luyện kỹ năng đánh hơi, nhận diện các mùi từ ma túy cho đến thuốc súng, rẻ hơn nhiều so với chi phí hàng chục nghìn USD để mua và huấn luyện chó nghiệp vụ. Hơn nữa, phải mất nhiều tháng để huấn luyện thành công một chú chó nghiệp vụ, trong khi thời gian để huấn luyện chuột xác định một mùi cụ thể chỉ mất khoảng 15 ngày. “Những con chuột học rất nhanh. Chuột đực đánh hơi giỏi hơn chuột cái. Về mặt lý thuyết, bạn có thể huấn luyện chúng nhận biết bất kỳ chất nào, thậm chí là thuốc đánh răng”, nữ cảnh sát Hamerslag nhận xét và cho biết thêm rằng nhiều khả năng đội chuột nghiệp vụ sẽ được triển khai phục vụ trong lực lượng cảnh sát Hà Lan vào năm 2014. 

Chưa thể thay thế chó nghiệp vụ

Theo luật pháp Hà Lan, cảnh sát chỉ có vài giờ tạm giữ nghi phạm để thu thập bằng chứng. Nếu trong thời gian đó, họ không đưa ra quyết định khởi tố, họ buộc phải thả nghi phạm. Bởi vậy, đội chuột nghiệp vụ sẽ đặc biệt hữu ích trong các vụ nổ súng, khi đó, chúng có thể phát hiện dấu vết của thuốc súng trên quần áo của một người bị tình nghi trong vài phút.

Thế nhưng, do bản tính “nhút nhát”, khó thích nghi với những tình huống mới, địa điểm mới, nên chuột không thể thay thế được vai trò của chó nghiệp vụ trong việc hỗ trợ cảnh sát điều tra phá án. Bản chất của chó là lùng sục, cho nên chúng có thể dễ dàng thích nghi với môi trường mới, sẵn sàng lùng sục, đánh hơi tại những hiện trường hoàn toàn xa lạ với chúng. Hơn nữa, chó nghiệp vụ có thể giúp truy lùng tấn công tội phạm, tìm kiếm nguồn hơi và giải cứu người bị nạn. Ngoài ra, nhờ một bộ yên đặc biệt, người huấn luyện có thể điều khiển chó nghiệp vụ tìm ma túy, đưa đạn cho binh lính ngoài chiến trường hay cứu nạn nhân động đất mà không cần phải đứng gần con vật.

Không chỉ tại Hà Lan, lực lượng cảnh sát tại một số nước cũng sử dụng động vật hỗ trợ trong công việc. Như tại Nhật Bản, cảnh sát tỉnh Kyoto đã sử dụng một con mèo mang tên Lemon (chanh) để giúp họ an ủi nạn nhân. Trong khi đó, tại Mỹ, cảnh sát dùng ong để phát hiện dấu vết của chất nổ.