Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười:

"Bữa cơm với muối vừng" và phong thái gần gũi, lắng nghe dân

ANTD.VN - Trong ký ức của ông Phan Trọng Kính - người hơn 40 năm làm Trợ lý cho đồng chí  Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư là một người rất giản dị và gần dân, lúc nào cũng trăn trở vì đất nước còn nghèo. Thời còn công tác, bữa cơm hàng ngày của nguyên Tổng Bí thư thường chỉ là muối vừng, đậu phụ…

Đồng chí Đỗ Mười trò chuyện với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội, ngày 1-11-1992

Phê bình địa phương tổ chức ăn uống linh đình, lãng phí

Ông Phan Trọng Kính kể, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người luôn cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Thời còn đương chức, có lần, đồng chí Đỗ Mười dự cuộc họp bàn về thương mại tại tỉnh Nam Định. Rất nhiều đại biểu các tỉnh phía Bắc về dự. Đến trưa, lãnh đạo tỉnh tổ chức bữa cơm rất thịnh soạn, bày biện nhiều món. Đồng chí Đỗ Mười nghiêm nghị nhắc lãnh đạo tỉnh như thế thì lãng phí, là ăn của dân. 

Chiều hôm đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười về làm việc với tỉnh Thái Bình. “Biết câu chuyện và rút kinh nghiệm từ tỉnh Nam Định, bữa cơm tối tiếp Tổng Bí thư Đỗ Mười của tỉnh Thái Bình chỉ có canh cua, đậu phụ, rau luộc, quả cà, với mấy miếng cá…”. 

Vẫn theo lời kể của Trợ lý nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nhiều lần khi đến dự các cuộc họp, thấy bày biện nước suối, đồng chí Đỗ Mười cũng góp ý ngay với ban tổ chức là phải hết sức tiết kiệm. “Thời điểm đó, giá nước khoáng còn rất đắt nên đồng chí thường nói: Một chai nước khoáng giá thành ở thị trường bằng nửa lít xăng, ta có thể thay dùng nước khoáng bằng nước chè xanh bởi vừa ngon, vừa rẻ, giải khát tốt nữa” - ông Kính nhớ lại.

Trong sinh hoạt hàng ngày tại gia đình, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười rất giản dị. Ông Phan Trọng Kính kể: “Ông ở nhà ăn đơn giản lắm! Bữa cơm thường có muối vừng, đậu phụ, cũng có thịt nhưng không nhiều. Ông thương vợ lắm. Thời kỳ tem phiếu, nếu có tem phiếu mua thịt, ông lại dành dụm để gửi vào miền Nam cho vợ đang mang bệnh”.

Ông Phan Trọng Kính, Trợ lý nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Luôn trăn trở với tình hình đất nước 

Lối sống, sinh hoạt hàng ngày giản dị bao nhiêu thì trong công việc, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười lại là người quyết liệt, sôi nổi bấy nhiêu. Theo lời kể của ông Phan Trọng Kính, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười lúc nào cũng quan tâm đến tình hình đất nước. Đi đến đâu, ông cũng nói phải chăm lo cho công nghiệp. “Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tính, hằng năm, chúng ta phải nhập không biết bao nhiêu máy móc phụ tùng của các nước. Tại sao lại không có một nhà máy, công nghiệp sản xuất ra máy móc, phụ tùng để đỡ phải nhập. Cho đến trước lúc qua đời, lúc nào ông cũng nhắc đến công nghiệp hóa ” - ông Kính kể. 

Tâm huyết thứ hai của nguyên Tổng Bí thư là vấn đề giáo dục. “Thời kỳ ông làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đi đâu, ông cũng thăm hỏi các cháu từ mầm non đến học tiểu học, trung học. Khi về cơ sở, thấy các trường nghèo nàn, thiếu thốn nhiều thứ, đặc biệt là trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông đã báo cáo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng nên đầu tư thích đáng cho trường Đại học Sư phạm. Từ đó, trường đã được đầu tư mới khang trang hơn” - người Trợ lý của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười chia sẻ.

Đặc biệt, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười rất quan tâm đến việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, lắng nghe ý kiến của người dân. Nơi nào có “điểm nóng”, công việc nào khó khăn, ông cũng có mặt. Ông Phan Trọng Kính kể, khi còn làm Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Đỗ Mười luôn dành 1 giờ đồng hồ vào buổi chiều tới Vụ Thư từ để xem và giải quyết các phản ánh của người dân. Việc nào giải quyết được ngay là giải quyết. Việc nào chưa giải quyết được thì mời lãnh đạo địa phương lên trực tiếp gặp gỡ bà con để giải quyết và sau đó phải báo cáo lại.

Trong trí nhớ của Trợ lý nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, có lần, có một người dân Thái Bình lên Hà Nội khiếu kiện về việc đền bù giải phòng mặt bằng. Người này đứng trước Cổng Văn phòng Chính phủ kêu “ông Đỗ Mười ơi”. “Khi chúng tôi chạy ra, ông ấy nói muốn gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ - PV). Hôm đó, đúng lúc giải lao, đồng chí Đỗ Mười ra gặp liền và mời vào để giải quyết. Sau khi nghe người dân trình bày, cụ Mười nói với ông Dương Văn Phúc - lúc này còn là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng - điện thoại mời lãnh đạo tỉnh Thái Bình lên ngay. Buổi sáng gọi, buổi chiều lãnh đạo Thái Bình lên, ông giao giải quyết dứt điểm khiếu kiện này” - ông Phan Trọng Kính kể.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: “Đồng chí Đỗ Mười luôn nghe cấp dưới phát biểu hết lý lẽ”

"Bữa cơm với muối vừng" và phong thái gần gũi, lắng nghe dân ảnh 3

Nhớ lại những ấn tượng về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) - người đã có nhiều năm công tác cùng nguyên Tổng Bí thư tại Bộ Xây dựng rồi Hội đồng Bộ trưởng kể, đồng chí Đỗ Mười là người nói luôn đi đôi với làm, không bao giờ nói suông. Phong cách làm việc luôn gắn liền thực tiễn với lý luận và có tầm nhìn dài hạn. 

“Trong công việc, anh Đỗ Mười rất quyết liệt, không bao giờ bỏ giữa chừng. Chính vì vậy, thời kỳ đồng chí làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ngành này đã có bước tiến vượt bậc. Đặc biệt, việc sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có các nhà máy xi măng, từ khan hiếm hàng hóa đã tiến tới xuất khẩu sang một số nước. Khi tôi nhận nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, còn anh Mười lên làm Phó Thủ tướng, anh luôn nhắc nhở phải đẩy mạnh xây dựng các nhà máy xi măng và xuất khẩu vật liệu xây dựng” - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhớ lại. 

Trong công việc, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười không bao giờ dùng quyền lực để lấn áp cấp dưới, mà luôn lắng nghe để bàn bạc kỹ lưỡng. “Có đôi lúc anh Mười hơi nóng nhưng chúng tôi thấy đó là điều bình thường, cần thiết thúc đẩy công việc. Khi họp bàn, trao đổi, nguyên Tổng Bí thư luôn để cấp dưới phát biểu hết lý lẽ. Điều gì anh chưa đồng ý, sẽ trao đổi lại ngay với tinh thần thẳng thắn” - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên kể thêm.