Bớt đi lại, bớt cả ăn

ANTĐ - Thông tin giá xăng tăng 900 đồng/lít chỉ không lâu sau tin giá gas tăng hơn 50.000 đồng/bình khiến người tiêu dùng thêm chóng mặt. Không những bớt đi lại mà bớt cả ăn uống nấu nướng  là biện pháp của chị Nguyễn Phương Thảo và gia đình ở Cống Vị, Ba Đình phải áp dụng.

- Thời điểm này tiết kiệm, hạn chế chi tiêu là điều đáng khuyến khích, ai cũng nên làm.

- Nếu là tiết kiệm mà hạn chế bớt những khoản chi tiêu không cần thiết thì dĩ nhiên là điều nên làm. Nhưng ở đây lại không xuất phát từ lý do đấy.

- Chắc chắn là vì giá xăng, giá điện, gas tăng rồi?

- Đúng vậy. Không hiểu sao lúc cả nước cùng khó khăn, giảm chi tiêu như vậy mà giá cả vẫn cứ tăng chóng mặt. Ai lại vừa giảm giá xăng được vài trăm đồng thì lại lập tức tăng. Việc tăng giá xăng cũng đồng nghĩa với tất cả mọi thứ phải tăng theo vì tăng cước vận chuyển hàng hóa.

- Ai cũng kêu vậy thôi, chứ chi tiêu hàng ngày thì vẫn phải chi chứ có ai không đi lại, ăn uống được đâu?

- Vâng, đấy là nhu cầu tối thiểu nhưng có khi gia đình mình vẫn phải xem xét lại xem còn cắt giảm được nữa không. Trước thì không muốn ăn ở ngoài vì vừa đắt vừa không hợp vệ sinh nên nấu ăn ở nhà. Nay nếu phải nấu ăn cả 3 lần cho 3 bữa ở nhà thì sợ là một bình gas một tháng cũng không đủ. Có khi phải kết hợp lại, nấu 1 lần nhưng ăn 2, 3 bữa. Không ngon thì cũng đành phải chịu vậy thôi.

- Thế thì đi cũng nên đi chung mấy người một xe nhỉ?

- Vâng, nên kết hợp công việc đi chung đường cũng là giải pháp, mặc dù không chủ động và có thể tốn thời gian chờ đợi hơn. 

- Người dân thì phải bóp bụng tiết kiệm. Chỉ bực là nhiều người kinh doanh cũng được thể “đánh bùn sang ao” tranh thủ tăng giá các mặt hàng, dịch vụ dù không liên quan nhiều đến xăng và gas.

- Mình nghĩ rằng nếu người dân cùng ý thức tiết kiệm thì giá cả mặt hàng, dịch vụ nào tăng không hợp lý thì người kinh doanh đó sẽ phải chịu hậu quả, bởi giảm phát là điều mà ai cũng đang thấy rõ trong thời điểm này.