Bỏng vì... thiếu hiểu biết

(ANTĐ) - Mỗi năm nước ta có đến hàng nghìn người bị bỏng, trong đó nhiều người bị bỏng nặng. Có thể nói, bỏng là một tai nạn nguy hiểm và thường gặp, tỷ lệ gây tử vong cao, chỉ đứng thứ 2 sau tai nạn giao thông. Nguyên nhân gây bỏng thì có nhiều, nhưng điều đáng nói là phần lớn xuất phát từ sự sơ ý, chủ quan, hoặc thiếu hiểu biết của mỗi người.

Bỏng vì... thiếu hiểu biết

(ANTĐ) - Mỗi năm nước ta có đến hàng nghìn người bị bỏng, trong đó nhiều người bị bỏng nặng. Có thể nói, bỏng là một tai nạn nguy hiểm và thường gặp, tỷ lệ gây tử vong cao, chỉ đứng thứ 2 sau tai nạn giao thông. Nguyên nhân gây bỏng thì có nhiều, nhưng điều đáng nói là phần lớn xuất phát từ sự sơ ý, chủ quan, hoặc thiếu hiểu biết của mỗi người.

Kỳ 1: Vô vàn lý do gây bỏng

Công trình làm sắt dưới trạm biến áp điện
Công trình làm sắt dưới trạm biến áp điện

Một chút sơ ý, bao nỗi thương tâm

Tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia, hàng năm có từ 3.500 đến 4.000 bệnh nhân bỏng nặng, rất nặng vào điều trị. Trong đó, trẻ em là đối tượng bị bỏng nhiều nhất, chiếm khoảng 50%, phần lớn rơi vào độ tuổi từ 1-5. Thậm chí, có những trẻ em vừa lọt lòng, được mấy ngày tuổi đã phải nhập viện vì  bỏng.

Ngày 7-10-2007, bệnh nhi Nguyễn Xuân Khoa, quê TP Bắc Giang, vừa được 3 ngày tuổi, nhập viện trong trường hợp bỏng trên 5% diện tích cơ thể (với bệnh nhi, bỏng 10% là bỏng nặng), đáng nói là nguyên nhân gây bỏng cho bé Khoa rất... khó hiểu. Mẹ cháu bé kể, bé bị bỏng do nữ hộ sinh BV khi tắm cho bé đã không kiểm tra kỹ nhiệt độ của nước tắm. Được biết, tại BV Bỏng, đây không phải là trường hợp bệnh nhi đầu tiên bị bỏng do sơ suất của nhân viên y tế. Cũng may là bé Khoa được điều trị kịp thời nên đến nay vết bỏng không còn nguy hiểm, tuy nhiên các tai biến có thể kèm theo bỏng thì chính các BS điều trị cho bé cũng không dám khẳng định.

Hai cháu bé Trần Văn Nhất (6 tuổi), Trần Văn Huy (9 tuổi) ở Nam Sách – Hải Dương nhập Viện Bỏng Quốc gia sáng 26-9 vì  một lý do... chẳng đâu vào đâu. Đêm hôm trước là Trung thu, 2 bé rủ nhau đi xem múa sư tử, thấy sư tử phun lửa thì thích quá nên sán gần để xem và do một chút sơ suất, cả xăng, cả lửa từ “đầu rồng” bắn tung tóe ra xung quanh, quần áo 2 cháu bé bốc cháy để rồi một cháu bị bỏng 59%, một cháu bỏng 65% diện tích cơ thể với độ bỏng sâu trên 50%. Đến nay đã gần 20 ngày, 2 cháu bé vẫn nằm trên giường bệnh, chi phí mỗi ngày điều trị hơn một triệu đồng mà chưa biết đến bao giờ mới có thể xuất viện được. Ngồi trực bên giường bệnh con nhỏ, mẹ cháu bé nước mắt ngắn, nước mắt dài, vừa thương con đau đớn, vừa lo lấy tiền đâu trả nợ sau tai nạn này, “giời thương thì giời cho nó được thành người chứ giời không thương thì nó đã thành ma rồi, thế mới biết sơ ý một chút mà vô cùng tai hại”...

Với trẻ em, tai nạn bỏng chủ yếu là do sơ suất trong sinh hoạt tại gia đình còn với người lớn, tai nạn bỏng tập trung nhiều nhất là tai nạn lao động. Chị Vũ Thị Hương, y tá khoa Bỏng người lớn tại BV Bỏng Quốc gia cho biết, phần lớn những người lớn bị bỏng là do sơ suất trong quá trình lao động như công trường làm việc không an toàn, nằm dưới đường dây điện cao thế, không có phương tiện bảo hộ lao động... Không chỉ có công nhân mà cả cán bộ, kỹ sư cũng bỏng như trường hợp của kỹ sư điện Chu Quang Cầu, Công ty điện lực Hà Nội bị bỏng trong lúc kiểm tra trạm biến áp mà không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động...

Chăm sóc bé bị bỏng
Chăm sóc bé bị bỏng

Cố ý gây bỏng cho người khác

Theo TS Nguyễn Như Lâm - Chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu, BV Bỏng Quốc gia, một trong những nguyên nhân gây bỏng đang gia tăng  nhanh và gây rối loạn xã hội là những hành vi cố ý gây bỏng cho người khác. Nguyên nhân chính là những mâu thuẫn trong cuộc sống đời thường như  va chạm trong gia đình, cạnh tranh kinh doanh, ghen tuông trong tình duyên... Mỗi năm BV Bỏng Quốc gia tiếp nhận khoảng vài chục ca bỏng do bị tạt a xít, hất xăng, cồn, thậm chí đẩy nhau xuống thùng vôi nóng... Tuy những trường hợp bị bỏng này thường ít ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng tính chất nguy hại mà nó để lại cho người bệnh là vô cùng nghiêm trọng. Đó không chỉ là những thương tật trên cơ thể mà còn là vết thương lòng, là sự hận thù, rối loạn tâm lý và khó hòa nhập lại cuộc sống. Nhất là với phụ nữ bị tạt a xít ở mặt, họ khó chấp nhận được “nhan sắc” của mình khi tiếp xúc với cộng đồng.

Cũng theo các chuyên gia về bỏng thì hiện nay ở Việt Nam, số vụ bỏng do thảm họa như cháy chợ, cháy nhà, cháy phương tiện vận tải đang ngày càng gia tăng, trong đó có một nguyên nhân đáng kể là sự cố ý của những người có thù hằn, bất mãn gây nên. Có những vụ bỏng do thảm họa gây ra làm tổn thương một số lượng rất lớn bệnh nhân như vụ bỏng do rò rỉ đường ống dẫn khí tại Quảng Ninh làm 98 người bị bỏng nặng, hay mới đây là trường hợp 40 bệnh nhân bỏng nặng do cháy nổ bình ga ở Hưng Nguyên – Nghệ An...

Một nguyên nhân gây bỏng rất mới mà rất không đáng có nữa là bỏng do... tự thiêu. Mấy năm gần đây, BV Bỏng Quốc gia mỗi năm chữa trị cho vài chục ca bỏng do tự thiêu, năm sau cao hơn năm trước. Theo phân tích của TS Nguyễn Như Lâm thì “những căng thẳng trong cuộc sống gây nên nhiều ức chế, những mối quan hệ gia đình trở lên phức tạp hơn do tranh chấp kinh tế... đó là nguyên nhân khiến tự thiêu gia tăng”. Đối với những bệnh nhân tự thiêu này việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, một mặt do vết bỏng thường nặng, một mặt do bệnh nhân không muốn điều trị và mặt nữa do gia đình bệnh nhân thường giấu giếm nguyên nhân gây bỏng...

Còn vô vàn nguyên nhân gây bỏng khác không thể kể hết như trẻ em bỏng thức ăn, bỏng do nước nóng, bỏng do ăn lẩu bằng bếp gas du lịch hay thói quen nướng mực bằng cồn... Mùa hè là mùa bỏng gia tăng nhiều nhất, nhưng mùa đông và dịp Tết nguyên đán bỏng cũng tăng lên do sưởi lửa và làm bếp... Do vậy mỗi người cần phải tự nâng cao ý thức phòng ngừa để tránh những trường hợp thương tâm do bỏng gây ra.                                                                               

Tiến Hưng

Kỳ II: Những sai lầm không đáng có