"Bóng cười" âm thầm đầu độc giới trẻ (1): Ẩn họa phía sau một thú chơi

ANTD.VN - LTS: Việc sử dụng "bóng cười" đã và đang diễn ra lâu nay ở không riêng địa bàn thành phố Hà Nội, thực sự không chỉ là thú vui. Nó đã và đang âm thầm đầu độc người dùng - đa phần là giới trẻ - cả về thể xác lẫn tinh thần. Điều đáng lo ngại là sự chưa đồng nhất về quan điểm trong công tác kiểm soát, quản lý của cơ quan chức năng đối với loại ma túy này.

Dù nằm trong danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện, nhưng “bóng cười” vẫn đang được bán không phép một cách công khai ở nhiều hàng quán trên địa bàn Thủ đô, thậm chí nó được coi như sự thể hiện “phong cách” của thanh thiếu niên. Tuy vậy, thú chơi này gây nên những tác động âm thầm khiến người sử dụng nó bị lệ thuộc với những cơn thèm, những tác hại không kém ma túy thì không phải ai cũng biết.

Những thanh niên đắm chìm trong căn phòng ngập “bóng cười”

Tụ điểm “bóng cười” trá hình

Ở Hà Nội, người trẻ vẫn thường rỉ tai nhau những địa chỉ, con phố nổi tiếng với “bóng cười” như Xã Đàn (quận Đống Đa), Nguyễn Hữu Huân, Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm)... Ở đó không khó để tìm kiếm những quán cà phê, quán bar, pub bán “bóng cười”. Điều đặc biệt, nhiều quán trưng biển hiệu “Cà phê”, nhưng lại không hề bán cà phê.

Sau thời gian tìm hiểu, 21h một ngày trung tuần tháng 11, nhóm PV tìm đến quán cà phê trên phố Xã Đàn. Bên ngoài cửa chật kín xe máy, tầng 1 của quán là không gian khá rộng rãi, đèn sáng trưng, song những bộ bàn ghế thì không một bóng khách ngoài vài nhân viên đứng thu ngân và hướng dẫn khi khách đến. Chúng tôi nhanh chóng được 1 nam nhân viên hướng dẫn lên cầu thang nhỏ ở phía trái. Các bậc thang dẫn đến một căn phòng nhỏ, có cửa kính cách âm. Nơi này lại là một thế giới hoàn toàn trái ngược với không khí yên tĩnh ở tầng 1. Tiếng nhạc cực lớn cùng thứ ánh sáng mờ ảo giống như một quán bar nhỏ. Bên trong không gian ấy là nhiều người trẻ đang đứng, ngồi với đủ các tư thế “thư giãn”.

Đến một bàn nhỏ ở góc cuối căn phòng, chúng tôi nhanh chóng được nhân viên phục vụ mời chào đồ uống. Chiếc menu chỉ vẻn vẹn vài loại nước sinh tố, bia. Sau khi gọi sinh tố, một nhân viên khác mang đến 2 quả “bóng cười”, mặc dù chúng tôi không hề gọi. Hỏi nhỏ, cậu nhân viên tỏ vẻ ngạc nhiên: “Thì ai đến đây cũng để chơi bóng, nên không cần gọi chúng em cũng sẽ tự phục vụ”.

Quan sát các bàn bên cạnh, những thanh niên chẳng buồn để ý xung quanh, mà chuyên tâm lắc lư theo tiếng nhạc và… chơi bóng. Cứ độ 5 phút, nhân viên phục vụ lại xuất hiện từ căn phòng bên cạnh, cầm theo chùm 5 quả bóng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các “thượng đế”. Điều dễ thấy là bàn nào cũng chỉ có 1 chai nước suối hoặc bia để… tượng trưng, còn tất cả ai cũng ngậm bóng. Nhiều người đứng dậy lắc lư theo tiếng nhạc với một quả bóng thường trực trên miệng.

Cái giá của sự “thăng hoa”

Ở những quán cà phê “bóng cười” như thế này hiếm khi thấy cảnh thực khách trò chuyện rôm rả như những quán cà phê thông thường khác. Thay vì nhâm nhi, thưởng thức đồ uống, khách ở đây luôn có cặp mắt đờ đẫn và lắc lư phiêu du theo tiếng nhạc. Trong không gian ấy, ám ảnh với chúng tôi là hình ảnh cô gái trẻ ngồi một mình, hai tay cầm 4 quả “bóng cười”, miệng ngậm 1 quả.

Liên tục hết quả này đến quả khác, cô gái như không muốn phí từng giây phút “thăng hoa”. Khi trái bóng cuối cùng còn độ một nửa, cô gái ra hiệu cho nhân viên mang thêm 5 quả bóng nữa đến. Cứ như thế trong hơn 2 tiếng đồng hồ, cô gái này đã “cười” với hơn 30 quả bóng với đống vỏ la liệt dưới chân. Thậm chí, khi nhân viên tỏ ý không muốn bán nữa vì cô gái đã hút quá nhiều, thì người này lập tức chửi mắng, rút tiền ném thẳng vào cậu nhân viên.

Khi cô gái rời quán, chúng tôi hỏi chuyện một nhân viên phục vụ và không khỏi choáng trước hóa đơn thanh toán. “Ở đây không hiếm những trường hợp khách chơi 30, 40 quả trong một tối với mức giá dao động từ 40.000 - 110.000 đồng/ quả. Số tiền thanh toán lên tới 1-2 triệu đồng/người là bình thường” - cậu nhân viên này tiết lộ. Cũng theo nhân viên này, lúc mới “chơi” lần đầu thì khách nào cũng chỉ hút một vài quả cho vui. Nhưng rồi càng ngày người ta càng phải hút nhiều hơn mới thấy “đã”. Mỗi quả bóng chỉ làm cho người hút “phê” được vài giây, cho nên muốn thăng hoa phải hút liên tục.

Mấy đêm sau, chúng tôi di chuyển lên tuyến phố Nguyễn Hữu Huân và ghi nhận nơi này cũng dày đặc các quán cà phê “đặc biệt”. Trong ánh đèn mờ ảo, sau lớp mành che là những thanh niên ngả ngớn trên sàn nhà, mắt lơ đãng bên trái “bóng cười”. Hầu hết các quán cà phê này đều có những chiếc ghế mềm, rộng cho người hút thoải mái nằm thư giãn, hoặc thiết kế bàn theo kiểu ngồi bệt. Những thanh niên sau khi cười cùng bóng có thể lăn ra ngủ bất cứ lúc nào bất chấp cả những phép lịch sự tối thiểu. Còn mọi thứ xung quanh, những ánh nhìn, những cái lắc đầu ngán ngẩm của chúng tôi với họ đã trở nên vô nghĩa…

(Còn tiếp)