Bội chi ngân sách 8%: Quá cao!

(ANTĐ) - Phải lý giải đầy đủ tại sao lại đặt ra mức bội chi ngân sách năm nay lên tới 8%, cao nhất từ trước đến nay. Giải pháp nào để các doanh nghiệp đang gặp khó khăn tiếp cận được nguồn vốn kích cầu của Chính phủ. Cảnh giác trước nguy cơ tái lạm phát... Đó là những ý kiến mà các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đưa ra tại phiên thảo luận tại các đoàn ĐBQH sáng qua, 21-5.

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội:

Bội chi ngân sách 8%: Quá cao!

(ANTĐ) - Phải lý giải đầy đủ tại sao lại đặt ra mức bội chi ngân sách năm nay lên tới 8%, cao nhất từ trước đến nay. Giải pháp nào để các doanh nghiệp đang gặp khó khăn tiếp cận được nguồn vốn kích cầu của Chính phủ. Cảnh giác trước nguy cơ tái lạm phát... Đó là những ý kiến mà các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đưa ra tại phiên thảo luận tại các đoàn ĐBQH sáng qua, 21-5.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn kích cầu giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, góp phần tăng trưởng GDP
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn kích cầu giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, góp phần tăng trưởng GDP

Không cẩn thận sẽ đi từ điểm nóng này sang điểm nóng khác

Đó là cảnh báo của ĐBQH Phạm Thị Loan (Hà Nội). Khẳng định những kết quả đạt được trong năm 2008, trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, đó là nhờ có sự năng động và linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, tuy nhiên, bà Loan cho rằng, năm 2008 chúng ta tập trung chống lạm phát, còn hiện nay lại đang có xu hướng bằng mọi giá ngăn chặn suy giảm kinh tế, nếu không cẩn thận có thể dẫn đến tái lạm phát.

ĐBQH Chu Sơn Hà (Hà Nội) tán thành quan điểm này: “Phải đồng thời coi trọng cả 2 việc, vừa chống suy giảm kinh tế, vừa chống tái lạm phát”. Đại biểu Chu Sơn Hà không hài lòng về năng lực dự báo kinh tế hạn chế, nhiều chỉ tiêu dự báo không chính xác, ảnh hưởng chung đến sự điều hành vĩ mô.

ĐB Phạm Thị Loan đồng tình với việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đặt ra. Bà Loan khẳng định không thể lạc quan trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay: “Chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay đã là rất khó khăn, bởi những tháng cuối năm phải đạt trên 7% thì cả năm mới đạt 5%. Tôi e chưa chắc đã đạt được chỉ tiêu này”. ĐB Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, việc Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh các chỉ tiêu năm 2009 là cần thiết. Tuy nhiên, để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 5% trong năm nay sẽ phải nỗ lực rất lớn.

Bội chi ngân sách 8% là quá cao

Đa số các ĐBQH đều cho rằng, mức bội chi ngân sách tới 8% năm nay mà Chính phủ đưa ra là quá cao. ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) lo ngại: “Mức bội chi lớn như vậy sẽ ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Cần triệt để khai thác mọi nguồn thu để giảm bội chi ngân sách. Đặt ra mức bội chi là bao nhiêu cần phải có cơ sở khoa học để xác định”. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) ủng hộ: “Cần lý giải đầy đủ tại sao lại đặt ra mức bội chi tới 8%? Đây là mức rất lớn từ trước đến nay”.

“Về bội chi ngân sách, tôi không đồng tình với đề nghị của Chính phủ là 8%, tôi cho rằng chỉ 6%. Có những nhiệm vụ chưa cần thiết chi thì tạm dừng lại để tránh hệ lụy lạm phát” - Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) thẳng thắn. Bà Loan tính toán: “Theo dự kiến bội chi ngân sách sẽ hơn 8%, nhưng nếu tính cả việc phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ vào bội chi thì mức bội chi phải lên tới trên 10%”.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, mức bội chi 8% là quá cao, cần phải có biện pháp quyết liệt để giảm xuống. Theo ông Trừng, bội chi ngân sách năm nay khoảng 6-6,5% GDP là hợp lý. Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch lại phân tích dưới một góc độ khác: Nếu mức bội chi 8% đạt được trong bối cảnh kiềm chế được lạm phát dưới 10% thì sẽ là “cú hích” cho nền kinh tế trong tình hình khó khăn hiện nay. Ông Lịch đề nghị Quốc hội cần ra một nghị quyết riêng về tăng bội chi ngân sách với các điều kiện đi kèm như: làm rõ phần nào là để bù thiếu hụt cho thu ngân sách, phần nào để chi thêm cho kích cầu, và cuối cùng là kết quả của việc tăng bội chi ra sao.

“Kích cầu” vào đâu?

Việc triển khai thực hiện gói kích cầu được tất cả các ĐBQH tán thành là một chủ trương đúng trong tình hình kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Ngọc Đào kiến nghị: “Phải làm rõ khái niệm kích cầu, bởi đúng ra đây là gói kích thích kinh tế. Trong thời gian qua có hiện tượng nhiều địa phương hiểu “kích cầu” theo nghĩa là... “chi thêm một tí”, nên đã sử dụng những nguồn vốn này để làm cả trạm bơm”.

ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) phân tích: “Gói kích cầu của Chính phủ lên đến 8 tỷ USD. Nếu phần lớn nguồn vốn này rơi vào khu vực doanh nghiệp Nhà nước làm ăn không hiệu quả thì sẽ rất nguy hiểm, bởi hiện nay lạm phát đã bắt đầu rình rập”. Còn theo nhận xét của ĐB Phạm Thị Loan, gói kích cầu này đang tập trung cho những đơn vị, doanh nghiệp “khỏe”, còn những đơn vị đang gặp khó khăn, không có tiền trả lương công nhân, không có tài sản thế chấp... thì không tiếp cận được.

“Cần phải có giải pháp để những đơn vị khó khăn phải được hưởng chính sách này để tạo sự công bằng” - bà Loan nhấn mạnh. Đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội) bổ sung: “Thực hiện các gói kích cầu cần ưu tiên đầu tư công, tập trung cho những dự án giải quyết được vấn đề lao động. Đồng thời phải cải cách thủ tục hành chính để những dự án lớn không bị chậm trễ, thất thoát, gây bức xúc cho nhân dân”.

Theo ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường, việc phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cần tập trung đầu tư cho giao thông nông thôn, giáo dục..., bởi bà Hường dẫn phân tích của các nhà kinh tế cho rằng, trong bối cảnh suy thoái, đầu tư cho giáo dục là hợp lý nhất.

Tuy nhiên, bà Hường cũng nêu ra thực trạng là việc giải ngân trái phiếu Chính phủ trong nhiều năm nay rất chậm trễ. “Nguồn vốn chưa sử dụng hết chuyển sang năm sau là rất lớn. Trong khi vẫn phải trả lãi thì nguồn tiền này lại không phát huy hiệu quả. Cần tập trung đầu tư dứt điểm cho những công trình phục vụ dân sinh có hiệu quả, tập trung tháo gỡ mọi thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư bằng nguồn vốn này” - bà Hường nói.

Minh Hoàng

Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của quốc hội Hà Văn Hiền:

Khó khăn cũng là cơ hội

(ANTĐ) - Trao đổi với các phóng viên bên lề phiên họp chiều qua, 21-5, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Hà Văn Hiền nhận định rằng, khó khăn cũng là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế.

- PV: Yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế cần được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Ông Hà Văn Hiền: Hiện chúng ta cũng đang triển khai việc cơ cấu lại nền kinh tế, cả trong tổng thể nền kinh tế cũng như từng ngành kinh tế. Trong công nghiệp cần xem lại công nghiệp chế biến thế nào, công nghiệp phụ trợ thế nào. Trong nông nghiệp cần xem xét mối quan hệ giữa chăn nuôi với trồng trọt. Ngay trong điều hành của Chính phủ cũng đã bao hàm nội dung này. Trong khủng hoảng có thể thấy rõ hơn những mặt nào mạnh, mặt nào còn yếu. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi phải tạo được sự đồng thuận cao hơn, mạnh mẽ hơn nữa.

- PV: Cá nhân ông đánh giá như thế nào về các giải pháp của Chính phủ trong tình hình hiện nay?

- Ông Hà Văn Hiền: Dễ nhìn thấy nhất là vấn đề tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cho sản xuất kinh doanh như việc bảo lãnh cho vay vốn. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ, là những giải pháp kịp thời và cần thiết. Tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề mà chúng tôi đề nghị Chính phủ làm rõ như tiền hỗ trợ đến đúng địa chỉ chưa, đạt được mục đích, hiệu quả chưa? Nếu cho vay hỗ trợ lãi suất mà người ta lại dùng để trả nợ thì chưa đạt mục đích.

- PV: Việc “bơm” tiền nhanh có dẫn đến nguy cơ tái lạm phát cho nền kinh tế không, thưa ông?

- Ông Hà Văn Hiền: Cung tiền lớn cũng là một yếu tố gây lạm phát trở lại, nên trong những tháng cuối năm 2008 đã lưu ý chống lạm phát rồi, và chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc này rồi, tôi tin sẽ làm được.

Vân Anh (Ghi)