Bộ trưởng Tô Lâm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đảm bảo tính khả thi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong quá trình xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, cơ quan soạn thảo đã khảo sát, đánh giá toàn diện thực tiễn khách quan để đảm bảo tính khả thi.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận

Cuối phiên thảo luận về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sáng 27-10, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, đã được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, xin ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 25 vào tháng 8-2023.

Ý kiến của các ĐBQH chuyên trách, các đoàn ĐBQH đã được cơ quan thẩm tra của Quốc hội phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan, tổ chức liên quan giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở đồng thuận, nhất trí cao.

“Qua tổng hợp ý kiến cho thấy, đa số đại biểu đều nhất trí cần thiết ban hành luật” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Quốc hội thảo luận Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Quốc hội thảo luận Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Tại buổi thảo luận hôm nay, các ĐBQH đã tập trung cho ý kiến về các nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật gồm: tên gọi, phạm vi điều chỉnh, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; độ tuổi tối đa khi tham gia lực lượng này; chế độ chính sách; xây dựng bố trí lực lượng, đảm bảo các điều kiện hoạt động của lực lượng; về Tổ bảo vệ an ninh, tổ chức ở cơ sở; quan hệ giữa lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với các tổ chức bảo vệ dân phố, dân phòng…

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, đây là những nội dung đã được Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu ngay từ khi lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật và trong quá trình xây dựng tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở khảo sát đánh giá toàn diện thực tiễn khách quan, làm cơ sở để đề xuất nội dung quy định như trong dự thảo luật đảm bảo tính khả thi.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các ĐBQH để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.