Bộ trưởng Nông nghiệp nhiều lần nói không thoái thác trách nhiệm, chỉ ra “3 biến” và “3 lời nguyền”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trả lời chất vấn các ĐBQH về vấn đề được mùa mất giá, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhiều lần dùng từ “không thoái thác trách nhiệm” song cũng chỉ ra “3 biến” của thị trường và “3 lời nguyền” của ngành…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội

Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH chất vấn với Bộ trưởng Lê Minh Hoan chiều 7-6 là giải pháp nào cho tình trạng nông sản "được mùa mất giá" để gỡ khó cho bà con nông dân, bởi điệp khúc này lặp đi lặp lại hết năm này qua năm khác.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói đây là quy luật kinh tế cung - cầu và phải khống chế quy luật này qua hai cách. Khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt. Do đó, giải pháp cho câu chuyện được mùa mất giá là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa.

"Bộ Nông nghiệp nhận khuyết điểm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản. Chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công và đối mặt rủi ro khi không đồng nhất nguyên liệu một loại nông sản, và khi đó chưa đồng nhất thương hiệu" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói, đồng thời cho biết sẽ sớm cùng các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giải quyết việc này.

Cùng đó, trả lời câu hỏi của ĐBQH Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) về việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, Bộ trưởng cho rằng đây là việc rất nên làm nhưng không phải đơn giản. Trong đó, các địa phương phải "sâu sát" với nông dân và doanh nghiệp chế biến nông sản, phải cùng ngồi với hai bên: một là nông dân thông qua hợp tác xã, một bên là doanh nghiệp.

Tiếp tục trả lời câu hỏi của ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) về việc khi nào 100 triệu dân Việt Nam mới được sử dụng nông sản an toàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đây là câu hỏi được lặp lại rất nhiều từ trước đến nay.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan một lần nữa nói “không thoái thác trách nhiệm”, nhưng ngành nông nghiệp có tính liên ngành rất cao, có tính hệ thống trên dưới, trong ngoài, vận hành theo kinh tế thị trường. Vì vậy, không thể bằng một mệnh lệnh hành chính, bằng một quyết định của Bộ trưởng hay của Chính phủ mà có thể áp đặt được.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, hiện nay, nền nông nghiệp đang đứng trước "3 biến": biến đổi khí hậu; biến động thị trường; biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới. Vì vậy, cần nâng cao năng lực của doanh nghiệp, người sản xuất, thậm chí là nâng cao năng lực quản lý của Bộ chuyên ngành, cơ quan.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nêu lại nền nông nghiệp Việt Nam mang 3 lời nguyền "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát". Ngay ở đồng bằng sông Cửu Long dù đất đai rộng lớn nhưng cũng thể hiện sự manh mún. Do đó, ông tha thiết đề nghị cần thay đổi tổ chức lại ngành hàng để tránh rủi ro.

“Một lần nữa chúng tôi muốn nói rằng không tổ chức lại được một ngành hàng là chúng ta còn rủi ro. Vai trò tổ chức ngành hàng là vai trò của chính quyền địa phương. Ở đây có rất nhiều ĐBQH là lãnh đạo các địa phương, tôi tha thiết đây là một mệnh lệnh đối với thị trường phải bắt buộc chúng ta thay đổi, nếu chúng ta không muốn đối mặt với rủi ro” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Điều hành nội dung phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, với trách nhiệm quản lý Nhà nước và tư lệnh ngành, lĩnh vực, nếu Bộ trưởng trả lời rằng: “Để giải quyết điểm nghẽn, ách tắc ở đâu thì hỏi địa phương, vậy vai trò của Bộ Nông nghiệp, của Bộ trưởng ở đâu?”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh: “Thị trường có nhiều “cái biến”, nhưng mà có cái “bất biến” là chúng ta phải làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước: phân tích, đánh giá, dự báo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, hợp tác quốc tế…”

Bộ trưởng Lê Minh Hoan sau đó khẳng định không thoái thác trách nhiệm mà "sẽ làm hết mình trên cương vị Bộ trưởng Nông nghiệp".

Tuy nhiên, ông cho rằng nếu địa phương cùng vào cuộc, năng động hơn thì những điểm nghẽn, ách tắc trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được giải quyết nhanh hơn.