Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn về hàng loạt vấn đề "nóng " trong nông nghiệp

ANTD.VN -Phát biểu khai mạc phiên chất vấn sáng nay (6/11), Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm câu hỏi, đặc biệt thể hiện trách nhiệm và có giải pháp rõ ràng, cụ thể về từng nội dung đại biểu chất vấn.

Năm 2019 - năm thử thách đặc biệt đối với ngành nông nghiệp

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm. Chỉ trong 3 năm đầu nhiệm kỳ, khu vực nông nghiệp đã được thông qua 5 luật rất quan trọng.

Bên cạnh đó có 3 nội dung căn cốt được giám sát gồm: xây dựng nông thôn mới, an toàn thực phẩm và cơ cấu nông nghiệp. Các nội dung này đều giám sát tối cao, tạo bước bứt phá và sự phát triển rất tích cực.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đây là lần thứ 2 ông trả lời chất vấn. Việc tham gia trả lời mang lại tác động tích cực cho công tác quản lý của ngành nhìn rõ hơn hiện trạng, đặc biệt là tồn tại, bất cập để tham gia quản lý, tham mưu, phối hợp thực hiện tốt hơn. Bộ trưởng cũng coi kỳ chất vấn này là cơ hội để lắng nghe, rà soát lại việc làm được cũng như những bất cập để tổ chức thực hiện tốt hơn.

"Năm 2019 là năm thử thách đặc biệt cho ngành nông nghiệp, nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm đạt kết quả, ngành sẽ cố gắng hạn chế thấp nhất tác hại dịch bệnh, thị trường có nhiều mục tiêu tích cực" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông thôn đã tăng gấp 3 lần

Tiếp theo, các đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi); Châu Chắc (An Giang); Phạm Văn Tuân (Thái Bình); Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Bùi Văn Xuyền (Thái Bình);... chất vấn về các vấn đề: Tình hình, giải pháp tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giải pháp căn cơ, đột phá để bảo đảm giá lúa, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; giải pháp thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, giải quyết vấn đề môi trường trong xây dựng nông thôn mới; giải pháp nâng cao kỹ năng, kỹ thuật đánh bắt hải sản; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới thú y cơ sở; giải pháp khắc phục tình trạng "giải cứu nông sản", được mùa mất giá; mất cả mùa mất cả giá; giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản...

Về giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh vai trò hạt nhân trong liên kết sản xuất lớn. Trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp đã tăng 3 lần, từ hơn 3000 lên hơn 11.000 doanh nghiệp, trải đều khắp các vùng miền và các lĩnh vực từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản; trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào lĩnh vực này để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp,... Tuy nhiên con số này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, Bộ sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

Về nâng cao giá trị lúa gạo, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung vào sản xuất các giống lúa mới (hữu cơ, tinh túy) hơn... Về xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng nhấn mạnh 10 năm qua chúng ta đã đạt được những kết quả lịch sử, tuy nhiên so với yêu cầu, nguyện vọng của thực tế chúng ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là vấn đề về môi trường (sản xuất, tự nhiên), hình thành sản xuất lớn, sản xuất liên kết...Tới đây Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để khắc phục các vấn đề này.

Về khai thác hải sản, Bộ trưởng cho biết, đối với những tàu lớn, tàu hậu cần chúng ta đã được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, phù hợp với việc đánh bắt; nhưng đối với những tàu dưới 15m và 6m vẫn còn khó khăn, cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Làm rõ tranh luận về giải pháp căn cơ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp của Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, dù số doanh nghiệp tăng lên 3 lần nhưng còn rất thấp. Bộ trưởng kỳ vọng vào việc sắp tới thông qua luật PPP để huy động đầu tư. Bởi thực tế hiện doanh nghiệp thiếu điều kiện, nếu có khuôn khổ pháp lý tốt sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Về giải pháp khắc phục tình trạng được mùa mất giá, thậm chí mất cả mùa mất cả giá, mất giá kéo dài, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp phát huy lợi thế của địa phương, tổ chức liên kết sản xuất tuân thủ theo quy luật thị trường, đặc biệt cần tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thị trường; rà soát lại các vùng sản xuất, giảm diện tích, loại cây trồng kém hiệu quả;...