Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Trước đây có người đã khai tử nhưng vẫn trong danh sách đi bầu trưởng thôn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về đề án liên thông các thủ tục hành chính sáng 9/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng việc thực hiện thủ tục khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất còn nhiều bất cập, thậm chí có nơi có người đã khai tử nhưng vẫn có tên trong danh sách cử tri đi bầu trưởng thôn, xóm…

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, về thực hiện Đề án liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí, trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án liên thông các thủ tục hành chính việc đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí, việc thực hiện các thủ tục này có rất nhiều bất cập, người dân phải đi lại nhiều lần mới làm xong thủ tục.

Tuy nhiên đến nay, cơ bản đã có 63/63 địa phương đã thực hiện phê duyệt liên thông giải quyết các thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí với sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp, Bộ Công an. Người dân chỉ đến UBND xã nộp hồ sơ 1 lần để thực hiện 3 thủ tục trên. Việc thực hiện đề án này mỗi năm đã tiết kiệm 38,8 tỷ đồng, tỷ lệ hồ sơ quá hạn là 0,67%. Thời gian tới, các địa phương tiếp tục quan tâm, thúc đẩy thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, đẩy mạnh liên thông…

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết ( đoàn An Giang) chất vấn

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết ( đoàn An Giang) chất vấn

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) về dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi nhiều quy định, giá trị truyền thống, chúng ta biết đến một cách rõ rệt hơn khái niệm “nền kinh tế không tiếp xúc”, giao dịch không tiếp xúc..., Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, nhiều dịch vụ công và thủ tục hành chính đã được giải quyết không qua tiếp xúc giữa người thực hiện và cơ quan hành chính nhà nước.

Cổng Dịch vụ công quốc gia là “một cửa duy nhất” trên môi trường điện tử kết nối, tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước để tra cứu thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Sau gần một năm thực hiện (được khai trương từ ngày 9/12/2019), cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp gần 2.200 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số gần 7.000 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền.

Sau hơn 9 tháng kể từ ngày khai trương, Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt mốc 1.000 dịch vụ công; tiếp đó, đến tháng 10 đạt thêm 1.000 dịch vụ công nữa, như vậy, trong gần 2 tháng, số dịch vụ công đã tăng trên 400% so với 9 tháng trước đó; Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là trên 6.700 tỷ đồng/năm.

Sau gần 8 tháng triển khai cổng Dịch vụ côngquốc gia đã kết nối với 10 ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho phép cá nhân, tổ chức thanh toán trực tuyến qua tài khoản/thẻ ngân hàng với 40/46 ngân hàng - Bộ trưởng nhấn mạnh.