Bộ trưởng Giáo dục xin lùi thời hạn báo cáo kiểm tra bổ nhiệm chức danh giáo sư

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có công văn gửi Chính phủ xin lùi thời hạn báo cáo rà soát việc bổ nhiệm chức danh giáo sư 2017.

Trước dư luận có những nghi ngại về chất lượng cũng như số lượng đột biến ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 1418/VPCP-KGVX ngày 8/2 đề nghị Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) xem xét, kiểm tra lại việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS năm nay.

Ngay sau đó, ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch HĐCDGSNN đã có công văn gửi các Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành yêu cầu rà soát lại kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng để đảm bảo chất lượng xét duyệt theo quy định hiện hành, báo cáo Chủ tịch HĐCDGSNN trước ngày 18/2.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xin hoãn báo cáo rà soát bổ nhiệm Giáo sư đến 28/2

Tuy nhiên, đến ngày 20/2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có công văn nêu rõ, Thường trực các HĐCDGSNN đã khẩn trương tổ chức rà soát các hồ sơ ứng viên, trong đó tập trung rà soát các vấn đề mà dư luận đặt ra liên quan tới việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017.

Tuy nhiên, do thời gian yêu cầu rà soát trùng với thời gian nghỉ Tết nguyên đán nên để đảm bảo sự khách quan, công bằng, đúng quy định trong quá trình rà soát, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời hạn báo cáo đến hết ngày 28/2.

Trước đó, ngày 2/2, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã công bố số lượng các tân giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) được công nhận năm 2017. Theo đó năm 2017 Việt Nam có thêm hơn 1.200 tân GS, PGS.

Trong số 85 giáo sư được xét duyệt lần này thì có 56 giáo sư có bài báo đăng trên tạp chí ISI và Scopus với số lượng  924 bài, trung bình 16,5 bài/giáo sư có bài trên tạp chí ISI/Scopus, chiếm gần 66%.

Như vậy, khoảng 34% giáo sư được xét duyệt năm 2017 không có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí nổi tiếng quốc tế. 

Đối với phó giáo sư, trong số 1.141 người được xét duyệt thì có 532 người có bài báo đăng trên các tạp chí nổi tiếng thế giới, chiếm 46,6%, tức là trên 53% phó giáo sư được xét duyệt năm nay không có bài báo khoa học trên các tạp chí ISI/Scopus.