Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về quy định nâng ngạch công chức "20 năm không sửa"

ANTD.VN -Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 7/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu ra một số vấn đề "nóng" trong lĩnh vực quản lý như tinh giản biên chế, bổ nhiệm cán bộ vẫn còn sai phạm, đồng thời thừa nhận trách nhiệm đối với quy định thi nâng ngạch viên chức: "Một quyết định mà để 20 năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà là trách nhiệm của Bộ Nội vụ”.

Quy định 20 năm không sửa nên "rất rườm rà"

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về vấn đề thi xét tuyển, xét nâng ngạch công chức, viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận việc này “rất phiền hà”. Không chỉ riêng văn bằng, chứng chỉ về thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức mà cả về quy trình bổ nhiệm đều rất rườm rà.

Theo Bộ trưởng, quy định về việc này có từ năm 1993, đến nay đã hơn 20 năm nhưng vẫn không sửa. “Một quyết định mà để 20 năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà là trách nhiệm của Bộ Nội vụ”, Bộ trưởng nhận trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về quy định nâng ngạch công chức "20 năm không sửa" ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cam kết năm 2020 sau khi Luật Cán bộ Công chức sửa đổi sẽ sửa ngay quy định này và thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định, không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào. 

"Về biện pháp kiểm soát, đối với ngoại ngữ có thể tổ chức thi trên máy tính, bài khảo sát bằng tiếng Anh. Dù điều kiện hồ sơ đòi hỏi phải có bằng cấp nhưng thi phải thực chất. Văn bằng ngoại ngữ phải phù hợp với từng vị trí làm việc, chức danh. Sắp tới, một tỷ lệ nhất định cán bộ công chức làm việc trong môi trường quốc tế phải có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế" - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Cả nước thiếu 87.000 giáo viên và hơn 12.000 nhân viên y tế

Trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) về biên chế giáo viên và nhân viên y tế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tổng biên chế sự nghiệp công lập của nước ta là 1,8 triệu người, 80% trong đó là giáo viên và nhân viên y tế. 

Tuy nhiên, theo thống kê bước đầu, cả nước còn thiếu 87.000 giáo viên các cấp và hơn 12.000 nhân viên y tế. Hiện tại, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo xác minh cụ thể, từ đó đề xuất Chính phủ và Bộ Chính trị bổ sung.

"Đến nay, Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và trình Bộ Chính trị giải quyết vấn đề giáo viên ở cấp mầm non. Việc tinh giản biên chế giúp tiết kiệm  hàng trăm tỷ đồng và đang được một số tỉnh, thành thực hiện tốt" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về tinh giản biên chế, b áo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, sau khi việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhiều bộ, ngành và địa phương đã tinh gọn và hạn chế sự chồng chéo, giao thoa.  Bước đầu đã giảm được 4 tổng cục, 11 vụ, cục. Số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì giảm nhiều.  Tinh giản biên chế cũng đạt được kết quả khả quan, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cũng được nâng lên.