Bỏ trần lãi suất - không đáng lo ngại

ANTD.VN - Từ ngày 15-3 tới, sẽ không áp trần lãi suất với hoạt động cho vay tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trừ một số lĩnh vực đặc thù do Nhà nước quy định. 

Theo Thông tư 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - có hiệu lực từ ngày 15-3 tới, tổ chức tín dụng và khách hàng sẽ thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay và mức độ tín nhiệm của khách. Trần lãi suất tối đa chỉ áp dụng trong từng thời kỳ với một số khoản vay do Nhà nước quy định. Cùng với đó, NHNN cũng quy định, không áp trần lãi suất với hoạt động cho vay tiêu dùng. 

Bỏ trần lãi suất - không đáng lo ngại ảnh 1Từ ngày 15-3, lãi suất cho vay sẽ theo sự thỏa thuận giữa các bên

Thống nhất các nội dung chưa rõ ràng

Quy định về trần lãi suất đã tồn tại từ lâu song đến nay các cơ quan, đơn vị liên quan vẫn thể hiện sự lúng túng trong cách hiểu và áp dụng. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005, lãi suất vay tiền do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Với mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm thì mức trần theo luật này chỉ ở mức 13,5%/năm, một con số được cho là quá thấp.

Để khắc phục hạn chế này, Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 đã quy định: “Các bên có thỏa thuận về lãi suất vay nhưng mức lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Như vậy, theo quy định mới, mức trần lãi suất cho vay đã tăng lên, tuy nhiên lại phát sinh những vấn đề khác. 

Cụ thể, quy định “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” đã gây lúng túng trong cách hiểu và áp dụng. Bởi theo Luật Các tổ chức tín dụng thì lãi suất do thỏa thuận nhưng lại theo các quy định của pháp luật. Hơn nữa, quy định này cũng gây tranh cãi về việc có áp dụng cho hoạt động cho vay tiêu dùng hay không. Bởi thực tế hiện nay, hoạt động cho vay tiêu dùng đang có mức lãi suất 20-65% để bù đắp lại rủi ro trong hoạt động cho vay này. Vì vậy, nếu phải áp dụng mức trần lãi suất cho vay 20%/năm của Bộ luật Dân sự 2015 thì sẽ không phù hợp.

Hóa giải những băn khoăn đó, Thông tư 43 của NHNN đã khẳng định, không áp dụng trần lãi suất với hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Theo đó, các công ty tài chính phải ban hành quy định về mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng để áp dụng thống nhất và báo cáo NHNN để giám sát.

Còn đối với hoạt động cho vay tại các tổ chức tín dụng khác, Thông tư 39 đã bãi bỏ trần lãi suất cho vay. Theo đó, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp áp dụng mức lãi suất tối đa đối với cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với 5 lĩnh vực ưu tiên do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ.

Có kiểm soát được lãi suất? 

Theo các luật sư, những quy định mới tại hai Thông tư của NHNN đã tách bạch quản lý đối với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng và hoạt động cho vay dân sự đối với tổ chức, cá nhân. Điều này là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Các chuyên gia tài chính cũng cho rằng, việc bỏ trần lãi suất là cần thiết, phù hợp hơn với yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất được xem như giá của việc sử dụng đồng tiền. Trên lý thuyết, khi giá bị khống chế, áp đặt, thị trường sẽ bị méo mó, không phù hợp nguyên tắc cung - cầu.

Bác bỏ lo ngại về việc thả nổi có thể khiến lãi suất cho vay tăng cao, các chuyên gia cho rằng, chính thị trường sẽ điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng, không thể có chuyện một ngân hàng nào tùy ý đưa ra mức lãi suất quá cao bởi khi đó doanh nghiệp sẽ quay lưng, và như vậy ngân hàng cũng sẽ “chết”.

Hơn nữa, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, quan trọng là khả năng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. “Với những kết quả đã đạt về điều hành chính sách tiền tệ và lạm phát của NHNN thì việc dỡ bỏ trần lãi suất là không đáng lo ngại” - TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.

Còn đối với các công ty tài chính, việc tuân thủ quy luật thị trường cũng là điểm then chốt để đưa ra mức lãi suất phù hợp. Trên thực tế, lãi suất cho vay của các công ty tài chính luôn cao hơn so với lãi suất của ngân hàng thương mại vì các khoản vay này có mức độ rủi ro cao hơn nhiều (phần lớn là vay tín chấp, không tài sản đảm bảo, người đi vay là cá nhân nên việc thu hồi nợ khó khăn hơn...). Vì vậy, điều quan trọng là người vay cần tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng về cả nhu cầu lẫn khả năng trả nợ, cũng như việc chấp nhận lãi suất thế nào cho các khoản vay của mình.