Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội - liên kết tầng để lấp khoảng trống an sinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Già hóa dân số nhanh và hệ thống hưu trí đơn tầng là hai yếu tố cộng hưởng gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội. Để lấp khoảng trống an sinh này, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội, được hình thành, phát triển từ trợ cấp hàng tháng đối với người cao tuổi.

“Mất tích” trong lưới an sinh

Tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đạt khoảng 35% số người sau độ tuổi nghỉ hưu

Tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đạt khoảng 35% số người sau độ tuổi nghỉ hưu

Bảo hiểm xã hội chính là trụ cột an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ người lao động yên tâm, ổn định cuộc sống. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội chính là thành quả của quá trình lao động, là khoản tích lũy của bản thân khi còn sức khỏe, còn thu nhập để dành khi về già. Người lao động có lương hưu đồng nghĩa sẽ có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, bảo đảm cuộc sống khi về già, giúp tự chủ hơn trong cuộc sống, không phải lệ thuộc vào gia đình, xã hội. Tại Việt Nam, hệ thống bảo hiểm xã hội hiện có bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, vẫn có nhiều người không tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội nên không được hưởng chế độ hưu trí. Từ đó, làm phát sinh một khoảng trống là từ tuổi nghỉ hưu cho đến độ tuổi được lĩnh trợ cấp xã hội đối với nhóm người này.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, quy định này thể chế hóa chủ trương “điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội” của Nghị quyết số 28-NQ/TW nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội là hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2049 Việt Nam sẽ có 28,6 triệu người cao tuổi (chiếm gần 25% dân số), tức là cứ 4 người thì có 1 người cao tuổi, thuộc nước có tốc độ già hóa dân số top đầu thế giới. Với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng như hiện nay, nguy cơ “già trước khi giàu” là rất hiện hữu. Như vậy, già hóa dân số nhanh và độ bao phủ hưu trí còn hạn chế là yếu tố cộng hưởng sinh ra áp lực lớn cho hệ thống an sinh xã hội ở nước ta.

75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí

Là cơ quan quản lý Nhà nước về chính sách an sinh xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, hệ thống hưu trí Việt Nam hiện được thiết kế đơn tầng, độ bao phủ còn hạn chế với hai chế độ dựa trên đóng góp của người lao động và doanh nghiệp thuộc bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cho nên, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, đồng thời bổ sung quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội cơ bản nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, quy định này thể chế hóa chủ trương “điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội” của Nghị quyết số 28-NQ/TW nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Thực chất, tầng trợ cấp hưu trí được hình thành, phát triển từ trợ cấp hàng tháng đối với người cao tuổi.

Cùng với việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội cơ bản nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Theo đó, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì có thêm sự lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng (nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần) cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ nguồn chi trả của quỹ Bảo hiểm xã hội. Đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Cần đánh giá nguồn lực để thực hiện

Đề xuất về việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội của Bộ LĐ-TB&XH đang nhận được nhiều ý kiến đồng tình của người dân và các chuyên gia về chính sách. Bày tỏ sự ủng hộ của mình, ông Nguyễn Xuân Âu (Mỹ Đức, Hà Nội) cho hay: “Tôi năm nay 70 tuổi. Hơn chục năm nay, tôi và vợ vẫn tất bật mưu sinh đủ nghề để có thu nhập, không phải phụ thuộc con cháu. Trước mắt, dù khó khăn nhưng chúng tôi vẫn có thu nhập để trang trải cuộc sống. Nhưng 5 năm nữa, sức khỏe suy giảm, không có lương hưu, lại chưa đến tuổi nhận trợ cấp xã hội, cuộc sống của những người như vợ chồng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu đề xuất được thông qua, mỗi tháng chúng tôi cũng có thêm một khoản thu nhập, đỡ rất nhiều cho cuộc sống hàng ngày”.

Chia sẻ về vấn đề này ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cho rằng, việc đề xuất bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng nguyện vọng từ thực tiễn. Cùng với hạ tuổi thì việc đề xuất nâng mức hỗ trợ từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng cũng xác đáng trong lúc giá cả, chi phí sinh hoạt tăng cao như hiện nay. Con số 500.000 đồng/tháng không phải lớn, nhưng phần nào đó giúp những người cao tuổi có thêm khoản tiền để lo cho cuộc sống.

Mặc dù đây là chính sách hết sức nhân văn, nhưng trong báo cáo đánh giá tác động Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về nội dung này, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho hay, nếu giảm độ tuổi nhận trợ cấp từ 80 xuống còn 75 tuổi thì mỗi năm nhà nước sẽ mất thêm 5.000 tỷ đồng, cộng với khoản điều chỉnh trợ cấp từ 360 nghìn đồng/tháng lên 500 nghìn đồng/tháng sẽ mất thêm 2,1 nghìn tỷ đồng. Như vậy, ngân sách Nhà nước phải chi thêm cho công việc này khoảng 7,1 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Liên quan đến nội dung này, mới đây Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đã có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH đề nghị làm rõ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Cụ thể, điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo dự thảo là 75 tuổi, đề nghị lý giải cơ sở đưa ra quy định này, căn cứ tính toán, vì liên quan đến phần ngân sách lớn mà Nhà nước phải hỗ trợ. Bên cạnh đó, dự thảo cần nêu rõ quy định nguồn chi trả, ai chi trả, phương thức chuyển kinh phí và thanh quyết toán đối với các chế độ trợ cấp hưu trí xã hội.