Bỏ “rào cản” đang gây khó người ở trọ, ở nhờ... đăng ký thường trú tại thành phố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành xóa bỏ, không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM... để tạo thuận lợi cho nhiều người dân đang làm việc ở các thành phố này. 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận chiều 4-9

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận chiều 4-9

Chiều nay, 4-9, tiếp tục chương trình làm việc của hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách, các vị ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 tới đây.

Một số nội dung còn nhiều ý kiến tại dự luật này là các chính sách mới liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy như hiện nay và quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố lớn (thành phố trực thuộc trung ương).

Bỏ “rào cản” đăng ký thường trú tại các thành phố lớn

Trình bày dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại hội nghị, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với việc không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương.

Có ý kiến tán thành nhưng đề nghị cần có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện tại Hà Nội và TP HCM để bảo đảm sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu tại đô thị lớn.

Cũng có ý kiến khác đề nghị vẫn cần duy trì điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương như Luật hiện hành.

Qua thảo luận, UBTVQH nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc không nên quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc trung ương như Luật hiện hành.

Lý do là việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân, tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú.

Thực tế, việc thực hiện quy định nói trên của Luật Cư trú thời gian qua cho thấy chính sách này cũng chưa thực sự hiệu quả vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn (do đây là nơi có cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập tốt hơn).

“Về lâu dài, số dân tăng cơ học hằng năm tại các thành phố trực thuộc trung ương nhiều hay ít chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các yếu tố như cơ hội việc làm, thu nhập, về điều kiện sống, học tập, làm việc tại các đô thị này” – ông Tùng phân tích.

Nêu ý kiến về quy định mới này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, hiện nay mặc dù có quy định hạn chế cho đăng ký thường trú vào các thành phố lớn nhưng số lượng người dân đến tạm trú rất lớn, nhiều người đến ở lâu dài nhưng không có hộ khẩu.

“Vì vậy, chúng ta chỉ cần quy định công dân có điều kiện về chỗ ở hợp pháp thì có quyền đăng ký thường trú để thuận tiện cho cuộc sống của họ” – đại biểu Hòa nói.

Liên quan đến quy định điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu đối với người đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã chỉnh lý theo hướng giao cho HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người.

Qua thảo luận tại hội nghị, một số ĐBQH chuyên trách còn băn khoăn về quy định này. Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị cần có quy định thống nhất trên toàn quốc, không giao cho HĐND cấp tỉnh tự quy định diện tích nhà ở tối thiểu/ người của địa phương mình.

Thay mặt cơ quan soạn thảo dự án luật giải trình về nội dung này, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, quy định điều kiện đăng ký thường trú đối với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ cần bảo đảm yêu cầu về diện tích bình quân tối thiểu không dưới 8m2 sàn/người là để bảo đảm điều kiện sống và phù hợp với điều kiện của đa số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại hội nghị

Vẫn băn khoăn thời hạn bỏ sổ hộ khẩu

Liên quan đến chính sách bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy như hiện nay, do ý kiến còn khác nhau nên UBTVQH thiết kế nội dung này thành 2 phương án tại khoản 3 Điều 39 của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Phương án 1:

Có quy định chuyển tiếp, theo đó, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022; thông tin về cư trú trong sơ sở dữ liệu về cư trú là thông tin gốc, cơ quan đăng ký cư trú sẽ không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Phương án 2: Giữ như nội dung Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 là, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vẫn có nguyên hiệu lực pháp luật. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Lựa chọn phương án 1, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, quy định chuyển tiếp như vậy tạo thuận tiện cho người dân. “Việc duy trì sổ hộ khẩu này không ảnh hưởng đến phương thức quản lý mới mà chỉ đồng hành trong một thời gian nhất định” – bà Dung nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhìn nhận đây là việc “hết sức hệ trọng” và cho rằng, vẫn nên lưu hành song song sổ hộ khẩu đến cuối tháng 12-2022 là phù hợp.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị chỉ nên để 01 phương án tại dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) như nội dung do Chính phủ trình Quốc hội, tức áp dụng việc bỏ sổ hộ khẩu ngay khi Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021, không có quy định chuyển tiếp là được sử dụng tiếp đến hết ngày 31/12/2022).