Bộ Giao thông muốn nhận chìm 3,8 triệu m3 bùn, cát xuống biển Quy Nhơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ GTVT đang hoàn tất hồ sơ xin cấp phép đổ 3,8 triệu m3 bùn, cát xuống biển tại vị trí cách bờ biển gần 12km. Đây là lượng chất thải từ dự án nạo vét luồng cảng Quy Nhơn.

Khối lượng bùn thải nói trên phát sinh từ dự án nạo vét luồng hàng hải để tàu 50.000 DWT có thể tiếp cận cảng Quy Nhơn.

Theo kế hoạch của Ban QLDA Hàng hải (Bộ GTVT), khu vực nhận chìm bùn có diện tích 100ha, thuộc vùng biển TP Quy Nhơn (Bình Định), đã được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương tại văn bản 1982/UBNDKT ngày 15/4/2022.

Vị trí này cách phao số 0 tuyến luồng Quy Nhơn khoảng 15,6km về phía đông, cách Cù Lao Xanh 11,7km về phía đông bắc, cách Hòn Ông Căn 20km về phía Nam, cách Eo Gió 21km. Mực nước biển tại vị trí nhận chìm sâu khoảng 87-99m.

Toàn bộ 3,8 triệu m3 chất thải nạo vét sẽ được tàu hút bụng và sà lan mở đáy tự hành vận chuyển đến vị trí nhận chìm. Cự ly vận chuyển bùn từ điểm nạo vét đến tâm vị trí nhận chìm khoảng 17km.

Cảng biển Quy Nhơn được nạo vét luồng để đón tàu tải trọng lớn

Cảng biển Quy Nhơn được nạo vét luồng để đón tàu tải trọng lớn

Khu vực nạo vét và nhận chìm được xác định nằm ngoài vùng bãi đẻ, bãi giống chính ở vùng biển ven bờ Nam Trung bộ Việt Nam và không nằm trong các vùng bảo vệ nguồn lợi hải sản tiềm năng.

Dù thống nhất vị trí đổ bùn cát, song tỉnh Bình Định vẫn lo ngại việc nạo vét, vận chuyển và nhấn chìm nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng việc khai thác, nuôi trồng hải sản, du lịch biển.

Do đó, chủ đầu tư được đề nghị bổ sung tác động môi trường của dự án đến khu vực quy hoạch bảo tồn biển, cũng như kết quả khảo sát hiện trạng hệ sinh vật đáy như rạn san hô, thảm cỏ biển... tại khu vực nhấn chìm và xung quanh để đánh giá tác động đến sinh vật tầng đáy.

Bên cạnh đó, địa phương cũng muốn chủ đầu tư đánh giá kỹ khả năng phát tán vật chất ô nhiễm; có giải pháp giảm tác động khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân làng chài Hải Minh, bãi tắm du lịch ở TP Quy Nhơn và cam kết bồi thường nếu có thiệt hại.

Ngoài ra, chính quyền tỉnh lo ngại quá trình nạo vét ở độ sâu 11-13 m nguy cơ gây sạt lở ven bờ, nhất là khu vực các cảng biển và kè Mũi Tấn. Do đó, chủ đầu tư được đề nghị đánh giá cụ thể nguy cơ sạt lở, có giải pháp hạn chế; đồng thời có phương án điều tiết tàu thuyền thủy ra vào cảng trong quá trình thực hiện dự án.

Dự án cải tạo, nâng cấp luồng cảng Quy Nhơn được Bộ GTVT phê duyệt năm 2021 với tổng vốn khoảng 700 tỷ đồng. Ban QLDA Hàng Hải được giao làm chủ đầu tư. Khi triển khai dự án, cảng này sẽ được nạo vét, cải tạo luồng dài hơn 7.000 m, rộng 140 m, sâu 13 m. Dự kiến có khoảng 3,8 triệu m3 vật chất chủ yếu là bùn, cát được nạo vét.