Bộ Giao thông: Không di dời, không mua lại trạm thu phí Cai Lậy

ANTD.VN - Trả lời tại cuộc họp báo chiều nay 17/8,  Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, trạm Cai Lậy đặt đúng vị trí, trong phạm vi dự án vì vậy sẽ không di dời và Nhà nước cũng sẽ không bỏ tiền ra mua lại.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Đông, dự án được phê duyệt từ năm 2009 nhưng do ngân sách Nhà nước và địa phương khó khăn, nên đến năm 2013 dự án mới quyết định đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP loại hợp đồng BOT.

“Vị trí trạm BOT Cai Lậy được đặt trong phạm vi dự án, vì vậy không thể nói trạm đặt sai vị trí và sẽ không tính đến chuyện di dời. Hơn nữa, trước khi làm dự án, đặt trạm, Bộ GTVT và nhà đầu tư đã lấy ý kiến của  tỉnh Tiền Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đã được thống nhất”, ông Đông cho hay.

Bộ GTVT kỳ  vọng sẽ không còn tình trạng lái xe bỏ tiền lẻ vào chai nhựa để trả phí qua trạm BOT Cai Lậy

Trả lời về việc chưa lấy ý kiến người dân ở khu vực đặt trạm BOT, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh là đại diện cho nhân dân, chứ nhà đầu tư hay Bộ GTVT cũng không thể đi phát tờ rơi tới từng người dân để xin ý kiến.

Hơn nữa, đến nay, Bộ GTVT cũng chưa phát hiện có sai phạm gì liên quan đến trạm thu phí Cai Lậy. Còn nếu có phát hiện sai phạm thì sẽ xử lý tùy theo việc ký kết hợp đồng BOT. 

Đề cập đến việc, trước sự phản ứng khá dữ dội từ người dân địa phương, Bộ GTVT có tính đến việc mua lại trạm Cai Lậy, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, ngân sách Nhà nước rất khó khăn để có thể tính đến việc mua lại trạm thu phí này hay một số trạm thu phí còn tồn tại bất cập khác.

Trong trường hợp lái xe tiếp tục dùng tiền lẻ mệnh giá thấp để qua trạm thu phí, gây ùn tắc và mất an ninh trật tự, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, sẽ cùng với tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư lên phương án giải quyết. Nhưng Bộ GTVT  kỳ vọng sẽ không còn xảy ra sự việc đáng tiếc như vừa qua.

“Thực tế ai cũng mong muốn được đi lại không mất phí, nhưng thậm chí cả những nước phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc.. cũng phải huy động vốn từ kênh tư nhân để đầu tư hạ tầng giao thông. Đây gần như là giải pháp chung của thế giới, như vậy mới có được hệ thống đường sá tốt hơn. Nếu Nhà nước có đủ tiền bỏ ra làm hết thì quá tốt nhưng ngân sách Nhà nước không đáp ứng được”, ông Đông bày tỏ.

Về việc năm 2009, dự án chỉ phê duyệt làm tuyến tránh thị xã Cai Lậy, nhưng năm 2013 lại kèm thêm cải tạo, nâng cấp QL1 để đặt trạm BOT ở vị trí hiện tại, ông Đông thông tin, trong quá trình làm việc với các cơ quan  liên quan và xem xét kiến nghị của tỉnh Tiền Giang thì nhận thấy, QL1 đoạn qua Cai Lậy cũng đã xuống cấp, cần phải cải tạo, nâng cấp nên đưa vào dự án.

Theo tính toán của Bộ GTVT, việc giảm phí qua trạm BOT cho tất cả các phương tiện, đồng thời miễn, giảm phí cho các phương tiện của người dân 4 xã lân cân của huyện Cai Lậy thì thời gian thu phí sẽ kéo dài lên từ 12-14 năm. Mức cụ thể sẽ được các bên tính toán và chốt.

“Phải đánh đổi giữa giá thu và thời gian, nếu thu cao thì thời gian thu sẽ ngắn hơn, nhưng mức thu phí thấp thì phải kéo dài”, ông Đông cho hay.

Về mức phí qua  trạm BOT Cai Lậy cao hơn cao tốc TP. HCM- Trung Lương, ông Đông cho rằng, cao tốc TP. HCM- Trung Lương được thu phí kín, trả tiền theo kilomet di chuyển, đảm bảo công bằng nhất và đặc biệt không hạn chế thời gian hoàn vốn.  Còn Trạm Cai Lậy thu phí lượt, phải căn cứ vào phương án tài chính, số năm thu phí hoàn vốn để tính toán mức phí thu lợp lý.