Bộ Công an: Nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở pháp luật chế tạo, sử dụng trái phép các loại súng tự chế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển sử dụng trái phép các loại súng tự chế, vũ khí thô sơ và linh kiện để lắp ráp vũ khí…

Theo Bộ Công an, qua 5 năm triển khai thực hiện, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh nhiều bất cập, chưa đáp ứng được tình hình thực tế trong phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm ở lĩnh vực này.

Tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, các loại dao gây án… diễn biến phức tạp có chiều hướng tăng, hoạt động rất manh động, gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là do Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định về các loại vũ khí chưa khái quát, còn tách bạch giữa vũ khí quân dụng với các loại vũ khí khác.

Vì vậy, các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng tữ, mua bán, vận chuyển sử dụng trái phép các loại súng tự chế (súng săn bắn đạn ghém, dúng nén ga, súng nén hơi…), vũ khí thô sơ (các loại dao, lưỡi lê, đao, kiếm…) và linh kiện để lắp ráp vũ khí.

Nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ của đối tượng phạm tội bị lực lượng công an thu giữ

Nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ của đối tượng phạm tội bị lực lượng công an thu giữ

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của các nước trên thế giới đã cho, tặng, viện trợ một số loại vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng cho các đối tượng theo quy định.

Tuy nhiên, tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ lại quy định nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định này trong Luật cho phù hợp với thực tiễn.

Mặt khác, theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ cấp cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thời hạn 5 năm. Sau khi hết thời hạn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải làm thủ tục cấp đổi. Bên cạnh đó, một số loại công cụ hỗ trợ (dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao, quả nổ, bình xịt hơi cay...) được cấp giấy xác nhận đăng ký công cụ hỗ trợ, không có thời hạn.

Tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện thấy, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ đã được cấp giấy phép sử dụng, giấy xác nhận đăng ký không có sự thay đổi về chủng loại, nhãn hiệu, ký hiệu, số hiệu; trong khi đó việc cấp đổi giấy phép sử dụng phát sinh nhiều chi phí, thời gian, nhân lực.

Do đó, để việc quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ đảm bảo thống nhất bằng 1 loại giấy phép thì cần thiết sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng không quy định thời hạn giấy phép sử dụng và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ.

Ngoài ra, một số quy định về việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn chưa phù hợp với quy định một số luật có liên quan và thực tiễn quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho phù hợp.