Bộ Công an nêu lý do lược bỏ, thay đổi vân tay, quê quán trên Thẻ căn cước công dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự thảo Luật Căn cước đã lược bỏ, thay đổi vân tay, quê quán trên Thẻ căn cước công dân gắn chíp. Theo Bộ Công an, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời tăng tính bảo mật thông tin cá nhân của công dân.

Theo Dự thảo Luật Căn cước, dự kiến trên thẻ CCCD cứng có 13 trường thông tin, hình ảnh. Tại mặt trước của thẻ, số căn cước công dân sẽ đổi thành mã số định danh cá nhân, là dãy 12 chữ số. Phần quê quán được ghi thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú.

Ở mặt sau, Bộ Công an đề xuất phần họ tên, chức vụ, chữ ký của người cấp thẻ sẽ đổi ngắn gọn thành "nơi cấp: Bộ Công an"; bỏ chữ ký và tên người ký cấp thẻ là Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Bên cạnh đó sẽ lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải và đặc điểm nhận dạng. Việc lược bỏ, thay đổi vân tay, quê quán trên căn cước giúp công dân thuận lợi hơn trong quá trình sử dụng thẻ căn cước; hạn chế việc phải cấp đổi thẻ nhiều lần và bảo đảm tính riêng tư.

Các mẫu thẻ chứng minh nhân dân và CCCD trước đây đều hiển thị trực quan thông tin sinh trắc học của người dân trên mặt thẻ dẫn tới dễ lộ lọt thông tin.

Ngoài ra, các thông tin trên căn cước như vân tay, đặc điểm nhận dạng dù không được thể hiện trên bề mặt thẻ CCCD song đã được thu thập vào cơ sở dữ liệu nên khi cần sẽ trích xuất, không cần phải in lên thẻ như hiện hành.

Sắp tới, trên Thẻ CCCD sẽ lược bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng để bảo đảm tính riêng tư

Sắp tới, trên Thẻ CCCD sẽ lược bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng để bảo đảm tính riêng tư

Việc lược bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng trên thẻ CCCD để bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ CCCD. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể khai thác thông tin trong chip điện tử thông qua các phương tiện nghiệp vụ, không phát sinh vướng mắc.

Ngoài thay đổi trên, theo dự thảo, phần quê quán trên CCCD được ghi thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú.

Trong khi đó, trước đây, phần thông tin trên giấy tờ tùy thân có mục nguyên quán, xác định theo quê quán của ông bà. Về sau đổi thành quê quán, xác định theo cha mẹ.

Sau một thời gian đánh giá và nghiên cứu quy định trên thế giới, nhiều quốc gia yêu cầu phải có thông tin về nơi đăng ký khai sinh. Trong khi đó, CCCD gắn chip được thiết kế đạt chuẩn ICAO, hướng tới sử dụng thông hành tại nhiều quốc gia, nên việc sửa thông tin như trên là phù hợp.

Về lý do đổi “nơi thường trú” thành “nơi cư trú”, theo Bộ Công an, nơi cư trú có phạm vi rộng hơn nơi thường trú, bao gồm thêm cả nơi tạm trú và nơi lưu trú. Việc điều chỉnh này nhằm tạo điều kiện cho công dân có nơi tạm trú vẫn được cấp thẻ CCCD bình thường.

Về câu hỏi “với trường hợp đăng ký thường trú một nơi nhưng lại tạm trú một nơi, mục “nơi cư trú” trên mặt thẻ CCCD sẽ phân biệt như thế nào”, cơ quan soạn thảo cho rằng, nếu công dân có nơi thường trú, thông tin trên mặt thẻ là nơi thường trú. Nếu thời điểm cấp thẻ công dân không đủ điều kiện thường trú, thông tin trên mặt thẻ sẽ thể hiện nơi tạm trú.

Đến nay, Bộ Công an đã cấp được khoảng 80 triệu thẻ CCCD cho người đủ điều kiện. Do đó, việc quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của chứng minh thư nhân dân cơ bản không tác động đến công dân. Ngoài ra, việc thay đổi mẫu thẻ CCCD (sau khi Luật có hiệu lực thi hành) không tác động đến những người đã được cấp thẻ CCCD hiện nay. Những thẻ CCCD đã được cấp vẫn có giá trị đến hết thời hạn sử dụng được ghi trong thẻ.