Bộ Công an lý giải sự cấp bách ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhận định về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, đây là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong việc xử lý vi phạm về giao thông.

Hàng trăm nghìn người chết vì TNGT

Số liệu thống kê từ năm 2009-tháng 1/2023 cho thấy, toàn quốc đã xảy ra hơn 379 nghìn vụ TNGT đường bộ, làm chết hơn 124 nghìn người, bị thương hơn 367 nghìn người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản.

Trung bình hàng năm có gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động. Nguyên nhân gây tai nạn giao thông do lỗi của người tham gia giao thông chiếm trên 90%.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến nhiều người tử vong tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam

Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến nhiều người tử vong tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã xử lý gần 66 triệu trường hợp vi phạm, trong đó một số hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT như vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy.

Đặc biệt, đã xảy ra 622 vụ chống lại lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, làm 7 cán bộ hy sinh, 196 cán bộ bị thương.

Luật Giao thông đường bộ 2008 được xây dựng và ban hành khi hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là mô tô, xe gắn máy. Một số quy định tuy đã được điều chỉnh nhưng còn thiếu, chưa đồng bộ, đầy đủ, cụ thể và chưa sát với thực tiễn. Tình hình TTATGT đường bộ vẫn ở mức cao. Ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến.

Trong khi đó Luật Giao thông đường bộ 2008 không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm TTATGT liên quan, như giải quyết TNGT; tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết các vấn đề an ninh trật tự, sự kiện trên các tuyến giao thông...

Luật cũng chưa có các chính sách, biện pháp, quy định cụ thể về phát triển phương tiện để đảm bảo đồng bộ với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế-xã hội.

Trước yêu cầu đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, Bộ Công an đã chủ trì xây dựng dự án Luật TTATGT đường bộ. Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ gồm 8 chương, 61 điều nhằm xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông.

Hàng loạt đề xuất mới quan trọng về đăng ký, cấp biển số xe

Dự thảo Luật TTATGT đã bổ sung nhiều nội dung mới nổi bật như quy định Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về TTATGT đường bộ trong quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Bên cạnh đó, tại các quy định về Quy tắc giao thông đường bộ đã được xây dựng trên cơ sở các quy định trong công ước quốc tế về giao thông đường bộ phù hợp với các điều kiện Việt Nam trên cơ sở kế thừa Luật Giao thông đường bộ 2008 và được luật hoá để phù hợp với thực tiễn – luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.

Về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về đăng ký, cấp biển số xe cụ thể, rõ ràng hơn, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, phục vụ người dân.

Về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dự thảo đề xuất nhiều điểm mới như: Người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe; người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu, được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ.

Về trừ điểm của giấy phép lái xe, dự thảo luật xác định đây là một hình thức xử lý vi phạm hành chính, nên cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính nên không quy định về nội dung này.

Có thể nói, Dự thảo Luật TTATGT đã đi sát với các mục tiêu là xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông; phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do TNGT.

Do tính chất đặc thù của giao thông đường bộ nước ta hết sức phức tạp đòi hỏi việc hoàn thiện Luật TTATGT đường bộ là tất yếu để ngăn ngừa các vi phạm và hậu quả đáng tiếc xảy ra cho tính mạng và tài sản của người dân.

Việc xây dựng luật và ban hành luật là nhằm điều chỉnh hành vi, cách xử sự của con người hướng đến xây dựng một xã hội có trật tự, kỷ cương, ổn định là điều cần thiết đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn – luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.