Blue Diamond và chuyện thu hồi xe

(ANTĐ) - Thời gian vừa qua, trên thị trường xuất hiện dòng xe với mẫu mã giống y như Vespa LX nhưng lại gắn mác động cơ Honda. Hơn nữa, giá xe lại rất rẻ, phù hợp với túi tiền của nhiều người. Cũng từ đó sự tranh cãi về nguồn gốc dòng xe này bắt đầu nảy ra và cứ mỗi lần được xới lên, người tiêu dùng lại một lần nữa giật mình về các thông tin được đưa ra.

Blue Diamond và chuyện thu hồi xe

(ANTĐ) - Thời gian vừa qua, trên thị trường xuất hiện dòng xe với mẫu mã giống y như Vespa LX nhưng lại gắn mác động cơ Honda. Hơn nữa, giá xe lại rất rẻ, phù hợp với túi tiền của nhiều người. Cũng từ đó sự tranh cãi về nguồn gốc dòng xe này bắt đầu nảy ra và cứ mỗi lần được xới lên, người tiêu dùng lại một lần nữa giật mình về các thông tin được đưa ra.

Đã có lúc sự tranh cãi về nguồn gốc của dòng xe mang tên Honda Blue Diamond 125 tưởng chừng như đã lắng xuống, nhưng vào ngày 16-11 vừa qua, 2 “đại gia” về sản xuất, lắp ráp mô tô của Việt Nam là Honda Việt Nam và Piaggio Việt Nam đã bắt tay nhau, tổ chức họp báo “tố” Công ty Cổ phần Lisohaka - “cha đẻ”  của dòng xe Honda Blue Diamond 125 rằng: “Việc thiết kế của Diamond Blue sao chép kiểu dáng 100% của LX là không thể chấp nhận được. Và động cơ mang ký hiệu AF14E không phải do Honda sản xuất”.

Cũng trong buổi họp báo chiều ngày 16-11, đại diện Honda Việt Nam, ông Koji Onishi, Tổng Giám đốc Công ty Honda Việt Nam cũng thông tin rằng, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang yêu cầu doanh nghiệp thu hồi 200 xe Honda Blue Diamond.

Lý do dẫn đến việc ra lệnh ngừng sản xuất và yêu cầu thu hồi 200 chiếc xe Honda Blue Diamond 125 có nhiều. Nhưng theo những hồ sơ liên quan thì chiếc Honda Blue Diamond 125 không phải “con lai” của Vespa và Honda như nhiều người vẫn nghĩ.

Theo hồ sơ hàng hóa xuất nhập khẩu, các tài liệu liên quan do Công ty Lisohaka cung cấp và thư xác nhận của Công ty Sundiro Honda Motorcycle Thượng Hải, Trung Quốc thì động cơ AF14E mang nhãn hiệu “Honda” do Công ty Sundiro Honda Motorcycle Thượng Hải, Trung Quốc sản xuất và bán cho Công ty Lisohaka thông qua Công ty Shen Zhen Aero Space Guang Yu Industry Trung Quốc.

Tuy nhiên tháng 10 vừa qua, ông Hiroshi Sekiguchi, Chủ tịch Công ty Sundiro Honda Motorcycle Thượng Hải lại có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam ngày 30-9-2010, thông báo Công ty Sundiro Honda Motorcycle Thượng Hải không sản xuất và bán động cơ AF14E mang nhãn hiệu Honda.

Cơ quan nghiên cứu phát triển Honda R&D đã phân tích động cơ AF14E và chỉ ra một số linh kiện được sản xuất từ các nhà cung cấp mà Honda chưa từng có quan hệ thương mại.

Ngoài ra, Sundiro Honda chỉ sản xuất các loại động cơ 125 phân khối chế hòa khí. Trong khi động cơ 125 phân khối mã AF14E là loại phun nhiên liệu điện tử. Dựa trên những lý do trên, Honda Việt Nam khẳng định "nhãn hiệu Honda đã bị sử dụng một cách bất hợp pháp cho động cơ AF14E lắp trên chiếc Diamond Blue".

Do Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận được từ Công ty Sundiro Honda Motorcycle Thượng Hải 2 văn bản có nội dung hoàn toàn trái ngược nhau và không có điều kiện thẩm tra tính xác thực nên Cục đã đề nghị Phòng Tham tán Kinh tế Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam kiểm tra, xác minh giúp.

Sau khi tiến hành thẩm tra, trong văn bản trả lời, Phòng Tham tán Kinh tế Thương mại Trung Quốc đã xác nhận văn bản ngày 30-9-2010 do ông Hiroshi Sekiguchi ký là văn bản chính thức và Công ty Sundiro Honda Motorcycle Thượng Hải không sản xuất động cơ AF14E mang nhãn hiệu Honda.

Căn cứ vào kết quả thẩm tra nêu trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tiến hành việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp cho xe Blue Diamond 125 lắp động cơ AF14E mang nhãn hiệu Honda theo thẩm quyền được quy định tại Quyết định số 58/2007/QĐ-BGTVT. Bởi đúng như văn bản lý giải thì chiếc xe “hồn Honda  Vespa LX” lại thật ra không liên quan gì đến hai “ông lớn” Honda và Vespa. Đây chỉ là một sản phẩm lắp ráp trong nước với nguồn gốc động cơ lắp ráp không rõ ràng.

Tuy nhiên, ngay sau cuộc họp báo của Honda Việt Nam và Vespa Việt Nam, khi được hỏi về vấn đề này, ông Vũ Mạnh Hà, Tổng Giám đốc của Lisohaka (đối tác của Công ty Cổ phần Công nghiệp Tàu thủy và Xe máy Vinashin) vẫn tỏ thái độ cứng rắn với niềm tin tuyệt đối về sản phẩm của mình. Ông cho biết: "Chúng tôi chấp hành việc dừng sản xuất. Nhưng vấn đề thu hồi sản phẩm thì sẽ được giải trình với các cơ quan chức năng".

Vị Giám đốc này cũng cho hay không làm việc trực tiếp với Sundiro Honda mà thông qua đối tác Shenzhen Aerospace Guangyu Industry Group Corp (Trung Quốc). Nhưng, trong một động thái khác, ông Hà lại cho biết, người tiêu dùng có thể đem xe đến và nhận lại 100% giá trị của chiếc xe kể cả phần chênh lệch so với giá của công ty.

Như vậy, những hoang mang của người tiêu dùng khi chiếc xe Blue Diamond bị thu hồi đã có lời giải. Còn số phận “chiếc xe lai” này sẽ đi đến đâu có lẽ phải mất nhiều thời gian mới thật sự ngã ngũ.

Minh Tuyết